Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Tp.HCM: Tiền sử dụng đất ngoài hạn mức cao là thiếu công bằng


Theo đề xuất của liên sở do Sở Tài chính chủ trì, địa bàn Tp.HCM sẽ áp dụng đến 4 hệ số điều chỉnh tiền SDĐ cho phần diện tích đất ở vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân. Với trường hợp công nhận quyền SDĐ (cấp giấy chủ quyền), toàn bộ phần vượt hạn mức ở sẽ nộp tiền SDĐ theo hệ số K bằng 2 lần bảng giá đất. Riêng trường hợp chuyển mục đích SDĐ, liên sở đề xuất 3 hệ số K tương ứng với 3 khu vực và đều ở mức cao. Trong đó, khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình) có hệ số K bằng 4,5. Khu vực 2 (gồm các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân) hệ số bằng 4. Khu vực 3 gồm các huyện còn lại có hệ số là 3,5.
Theo Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn luật sư TP.HCM - nhận xét, quy định hệ số K đối với phần đất vượt hạn mức sẽ tạo thuận tiện hơn so với quy định trước đó là yêu cầu thẩm định sát giá thị trường với từng trường hợp đất ở của dân. Tuy nhiên, yêu cầu trường hợp chuyển mục đích phải đóng tiền SDĐ quá cao so với trường hợp cấp giấy chủ quyền sẽ là một sự phân biệt đối xử, tạo ra tình trạng bất công lớn trên thực tế. Bởi hiện nay các trường hợp được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở chủ yếu là các mảnh đất nông nghiệp nằm xen cài trong các khu dân cư. Nếu quy định hệ số K quá chênh lệch, sẽ dẫn đến trong cùng một khu vực, người dân phải đóng tiền SDĐ chênh lệch quá nhiều cho những mảnh đất có giá trị như nhau.

Luật sư Nông dẫn chứng một ví dụ: Một người sở hữu 1.000 m2 đất nông nghiệp từ lâu nhưng không chịu đi làm giấy chứng nhận quyền SDĐ cho đất nông nghiệp, sau đó họ xây nhà trái phép và tiến hành thủ tục hợp thức hóa thì toàn bộ vượt hạn mức chỉ phải đóng gấp 2 lần bảng giá đất. Trong khi đó, người khác chấp hành nghiêm chỉnh quy định (xin cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho đất nông nghiệp), nay xin chuyển mục đích SDĐ sang đất ở thì phải nộp gấp từ 3,5 - 4,5 lần bảng giá đất.

khả năng tài chính của dân

Nếu hệ số 3,5 - 4,5 lần bảng giá đất được thông qua sẽ tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho người dân có nhu cầu chuyển mục đích SDĐ. Chẳng hạn, trường hợp của ông Nguyễn Minh Hồng nộp hồ sơ xin chuyển mục đích SDĐ cho khu đất hơn 400 m2 tại đường Dương Bá Trạc (Q.8) nhưng bị ách tắc gần 3 năm qua. Nay với hệ số 4 lần bảng giá đất áp dụng cho khu vực Q.8, dự kiến ông Hồng sẽ phải đóng tiền SDĐ lên đến 14,5 tỉ đồng (trong đó hơn 2 tỉ đồng cho phần đất trong hạn mức và 12,5 tỉ đồng cho phần đất vượt hạn mức). “Nếu bắt đóng tiền SDĐ cao như vậy thì chẳng khác nào nhà nước bắt tôi bỏ tiền mua lại miếng đất ông bà để lại. Như vậy, dù TP có ban hành hệ số K thì tôi cũng không đủ tiền đóng thuế để xin tách thửa cho đứa con trai lấy vợ” - ông Hồng than thở.

Thực tế cho thấy, ngay cả với hệ số gấp đôi bảng giá đất áp dụng cho trường hợp cấp giấy chủ quyền đã được đánh giá là vượt khả năng tài chính của nhiều người dân. Đó là lý do sau khi Quyết định 64 của UBND TP.HCM (về hệ số điều chỉnh tiền SDĐ cho phần vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân) có hiệu lực vào tháng 10.2011, hầu hết các chi cục thuế vẫn lâm vào cảnh “ế ẩm”, vì nhiều người dân dù đủ điều kiện đóng tiền SDĐ gấp 2 lần bảng giá đất nhưng vẫn không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - thực tế bảng giá đất của TP không ngừng tăng qua các năm đồng nghĩa với gánh nặng tiền SDĐ của người dân cũng tăng. Nay nếu ban hành hệ số điều chỉnh quá cao, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng người dân nợ thuế, hoặc mua bán giấy tay. “Việc thu thuế đối với phần đất ở ngoài hạn mức của người dân không nên kỳ vọng sát giá thị trường một cách tuyệt đối mà cần phải cân nhắc trên cơ sở hợp lý và công bằng. Với các trường hợp người dân đã mua bán, sang nhượng mảnh đất trước đó theo giá thị trường, nay phải đóng tiền SDĐ cũng theo giá thị trường thì rõ ràng nhà nước đã bắt họ phải mua đất đến 2 lần. 
Chính sách thuế không nên tận thu mà cần tính tới các yếu tố an sinh xã hội, bởi nếu quy định mức thuế quá cao thì không khuyến khích người dân hợp thức hóa nhà đất, khiến giao dịch đình trệ, dễ nảy sinh tranh chấp và nguy cơ thất thu thuế cũng cao. Quy định thuế hợp lý sẽ có nhiều cái lợi, thị trường được khai thông, nhà cửa được xây dựng đúng phép, giao dịch trôi chảy, thay vì áp thuế cao mà không ai đóng thuế cả” - ông Châu góp ý. 
Các ông thành phố cứ ngồi tính kiểu đó mãi là chỉ khổ cho dân.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

...Luật đất đai và những chuyện dài chưa hồi kết


Một trong những vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội đó chính là sửa đổi và ban hành luật đất đai mới.
TS Nguyễn Quốc Ngữ, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng T.Ư  Đảng phát biểu "Ngày nào chúng ta còn tính sống với bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu lá ngày ấy chúng ta chưa thoát khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu".
Để đối phó với chính sách hạn chế diện tích sử dụng đất nông nghiệp, người dân thường nhờ bà con trong gia đình đứng tên để tránh né thuế vượt hạn điền. Có trường hợp cá biệt, một người nông dân có 500ha ruộng mà trong đó 70-80% là phải nhờ người khác đúng tên. Người dân thì tìm cách "né" luật để mở rộng sản xuất, còn nhà nước thì không quản lý nổi.
Bên cạnh đó, vướng mắc về thời hạn sử dụng đất khiến cho người nông dân không mặn mà với việc mở rộng sản xuất. "Thời hạn 20 năm là ngắn. Sản xuất hàng hóa phải có đủ thời gian để tính toán việc sử dụng đất đấy vào việc gì,chu kỳ bao nhiêu. Bây giờ 20 năm thì đầu tư vào đấy, sang sửa cái này, cái kia đã mất hết nữa thời gian, thời gian còn lại làm được gì nữa?",Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Hơn thế nữa, đang có sự đối xử không công bằng  giữa  trong nước và  nước ngoài. Trong khi nông dân chỉ được sử dụng đất tối đa trong vòng 20 năm theo Luật Đất đai thì nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Đầu tư, lại được sử dụng đến tận 50 năm.
Xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất là cần thiết. Trong cương lĩnh của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh đặt trưng kinh tế của xã hội XHCN là "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại". Muốn thực hiện được như vậy thì phải tích tụ ruộng đất. Đồng quan điểm trên GS.Đặng Hùng Võ phát biểu trên báo Tuổi Trẻ "Đừng quá lo lắng về những thứ mang tính hình thức. Hãy nghĩ làm sao để tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp".
Luật đất đai năm 2003 quy định "đất đai là sở hữu toàn dân". Ngoài ý nghĩa nhân văn đúng với tinh thần bản chất tốt đẹp của Chủ nghĩa xã hội "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", luật đất đai còn một số điểm không rõ ràng, tạo kẽ hở cho một bộ phận cán bộ suy thoái hiểu sai và lợi dụng để tham nhũng. Về lý luận, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai bao gồm nhiều hình thức sở hữu. Những hình thức sở hữu đất đai này sẽ cụ thể hóa và làm đa dạng hóa chế độ sỡ hữu đất đai. Từ "toàn dân", "đất đai" là những từ chung chung, thuộc về chế độ sở hữu trong khi "cá nhân", "miếng đất" lại mang tính cụ thể, và thuộc hình thức sở hữu.  Do cách hiểu sở hữu toàn dân về đất đai cứng nhắc, tức một hình thức sở hữu duy nhất nên vô tình chung đã tước đoạt về mặt pháp lý sở hữu tư nhân về đất đai ở Việt Nam. Cái chúng ta cần làm là hiểu đúng và cụ thể hóa nó.Đa sở hữu đất đai?
Một số nhà kinh tế lập luận rằng Nhà nước nên quản lý thông qua công cụ kinh tế có thể sử dụng công cụ thuế quan để quản lý. Nếu một cá nhân vượt quá hạn điền thì phải đóng thuế, vượt càng nhiều thì thuế lũy tiến càng cao, vì thế sẽ không còn ai dám làm "đại chủ" nữa. Tuy vậy, vấn đề chính còn nằm ở khâu thực hiện.
Hiện nay một số địa phương thực hiện thu hồi đất bừa bãi trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. UBND cấp tỉnh làm trái Luật Đất đai 2003 khi định giá đất chỉ bằng 10% đến 70% giá đất thị trường. Nội dung, thời hạn, trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại của dân về đất đai chậm trể, không đúng với quy định pháp luật, khiến nông dân bỏ ruộng lên thành phố làm thuê với giá rẻ mạt. Đó là tình hình chung.
Đa dạng hóa hình thức sở hữu về đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể là thỏa đáng. Nước ta có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Vậy để tương thích với chính sách ấy, việc đất đai trở thành tài sản tư nhân là thích hợp với thực tiễn phát triển. Các chính sách, pháp luật này cần phải vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường vừa đảm bảo định hướng xã hội chung. Hơn nữa, khi một cá nhân khi bỏ tiền ra mua đất, thừa kế đất từ cha ông, góp vốn đầu tư..., họ không chỉ cần có quyền sử dụng đất như pháp luật hiện nay quy định mà họ còn phải được thừa nhận sở hữu mảnh đất đó.  Do vậy, sự "chính danh" cho hình thức đa sỡ hửu là cần thiết.
Ngoài ra, khi đất đai là hàng hóa xác định theo nguyên tắc thị trường thì chính quyền địa phương không được tùy tiện thu hồi đất cấp cho doanh nghiệp và tự ý ấn định mức giá. Giữa doanh nghiệp và người sở hữu mảnh đất sẽ tự thỏa thuận mua bán và định giá theo giá thị trường. Trong những trường hợp quan trọng như vì mục đích an ninh quốc phòng, xây dựng công trình công cộng..., nhà nước có quyền can thiệp và thu hồi đất.
Có như vậy, nông dân mới có thể an tâm đầu tư tích tụ ruộng đất tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Còn doanh nghiệp không phải "chạy" ông này, ông kia để xin mua đất. Từ đó, nền kinh tế thị trường mới trở nên minh bạch, công khai, không tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng kẽ hở pháp luật để tham nhũng, tư lợi riêng.
Nhiệm vụ sửa đổi luật lần này còn phải nhấn mạnh đến khâu quản lý, giám sát và đánh giá đất đai của Nhà nước, đặc biệt nên chú trọng đến sự tham gia giám sát của cộng đồng. Có xây dựng hệ thống quản lý đất đai, hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch hơn thì mới mong quét sạch tham nhũng trong lãnh vực vẫn còn nhạy cảm này.
(Trích bài của Thuận Từ - Xuân Mai Trần Tuần VN)

Ông Lê Hiếu Đằng: Sự tồn vong của đất nước là quan trọng

Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 6, Quốc hội Việt Nam khóa 13, kỳ họp 3 sẽ tiến hành chất vấn một vị Phó thủ tướng và bốn Bộ trưởng trong đó có Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường.

Trước thềm cuộc chất vấn, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ một số vấn đề được quan tâm với Quỳnh Chi. Ông cho biết Nhà nước cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân và giải thích như sau:
Công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân
Ông Lê Hiếu Đằng: Các nước khác đều công nhận về đất đai có 3 quyền sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Sở hữu cá nhân không có ngăn cản gì trong khi vì an ninh quốc phòng, Nhà nước có thể trưng thu. Khi công  nhận quyền sở hữu của người dân thì dân có quyền trên mảnh đất của mình, thuận mua vừa bán; chứ không thể nói “sở hữu Nhà nước” rồi “anh” lại ra quyết định đền bù giải tỏa. Mà Nhà nước lại đứng về phía các đơn vị đầu tư chứ không để dân trực tiếp thương lượng.
Luật đất đai có quy định nếu là những dự án kinh tế là phải để người dân thương lượng trực tiếp. Nếu không có công lao động của người dân thì làm sao đất đai có giá trị sử dụng? Nó sẽ mãi là những bãi hoang thì làm sao Nhà nước lại nói là của Nhà nước? Đó là một kẽ hở lớn để những thành phần tiêu cực trong Đảng và chính quyền tước đoạt đất đai của người dân.
Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng việc áp dụng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nhưng chưa thông qua phúc quyết của người dân là mấu chốt dẫn đến mâu thuẩn về đất đai. Ý kiến của ông ra sao?
Ông Lê Hiếu Đằng: Lẽ ra phải để cho người dân, chuyên gia và trí thức thảo luận rốt ráo về vấn đề sở hữu đất đai để thay đổi hiến pháp và luật đất đai. Rồi sau đó Đảng mới quyết định và chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình trước dân và lịch sử. Việc chưa thảo luận mà quyết định phản ảnh tình trạng mất dân chủ hết sức nghiêm trọng, phản ảnh một nhà nước toàn trị chứ không phải pháp quyền. Lấy ý Đảng để chụp lên ý dân mà trong lịch sử đã nhiều lần chứng minh ý Đảng là sai. Chẳng hạn trước đêm đổi mới là biết bao chuyện xảy ra khiến người dân bức bách, xé rào để làm. Và sau này Nhà nước phải công nhận.
Quỳnh ChiVai trò lãnh đạo của Đảng ĐCSVN được hiểu như thế nào?
Ông Lê Hiếu Đằng: Đảng lãnh đạo là gì? Là phải thấy trước, chứ không phải chạy theo sự kiện một cách bị động. Riêng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước phải xem xét lại vấn đề đất đai chứ không nên vì nghị quyết TƯ 5 mà cứ khư khư giữ quan điểm đất đai của toàn dân.
Quỳnh Chi: Tại hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI diễn ra giữa tháng 5, BCH Trung ương Đảng CSVN thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Ông có cho rằng giải pháp này hiệu quả?
Ông Lê Hiếu Đằng: Nếu chống tham nhũng mà không tam quyền phân lập thì làm sao chống? Tòa án đâu có độc lập mà xét xử? Ai sẽ xét xử Thủ tướng, Tổng bí thư và các nhân vật cấp cao? Còn vấn đề phê bình và tự phê bình thì không hiệu quả nữa. Tôi vẫn hay hỏi là trong Bộ ai dám phê bình Thủ tướng hay Chủ tịch nước? Bây giờ phải dựa vào pháp luật, dựa vào dân. Dù “anh” có thay đổi tổ chức phòng chống tham nhũng từ Chính phủ sang Đảng thì nếu anh không thực sự chống tham nhũng thì cũng không thể nào chống tham nhũng.
Nói một đàng làm một nẻo
Quỳnh Chi: Trước tình trạng tràn lan người Trung Quốc tại Việt Nam nhất là những vùng nhạy cảm của đất nước, ông có nhận xét thế nào?
Ông Lê Hiếu Đằng: Quản lý Nhà nước tôi thấy buồn cười là người Trung Quốc đến làm bè để nuôi cá rồi sau đó rút đi mà cũng không ai biết. Theo chủ trương hiện nay, người đứng đầu Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nhất là việc Trung Quốc đi vào Việt Nam từ vùng rừng núi cho đến Cà Mau, rồi bây giờ đến Cam Ranh thì nguy cơ độc lập dân tộc bị đe dọa hết sức lớn.
Dân rất lo nhưng các vị lãnh đạo có lo không? Bởi trong lực lượng Trung Quốc vào Việt Nam có bao nhiêu là dân sự? Bao nhiêu quân sự? Tình báo? Những việc này phải kiểm điểm một cách  nghiêm túc, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.Trong khi dân biểu tình yêu nước thì lại đàn áp còn những việc đó thì không để ý.
Quỳnh Chi: Trong những vấn đề mà đất nước đang đối mặt thì vấn đề nào theo ông là quan trọng nhất?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi cho là vấn đề đất đai là quan trọng nhất vì nó liên quan đến vấn đề thiết thân của người dân. Nông dân là một lực lượng có công với đất nước. Những gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ đều là những gia đình nông dân. Bộ đội hy sinh cũng là nông dân, rồi hy sinh, rồi bây giờ những gia đình ấy lại bị cướp đất như ở Văn Giang, Nam Định. Nếu “đụng” đến lực lượng này thì sẽ có nguy cơ bùng nổ những việc phức tạp.
Quỳnh Chi: Xin hỏi ông câu cuối là những chia sẻ này của ông có được nhiều người trong Đảng CSVN đồng tình?
Ông Lê Hiếu Đằng: Vấn đề chính là vấn đề tồn vong của đất nước, đặt lợi ích của dân tộc lên trên. Mình có thể hy sinh hay gặp rắc rối. Nhiều người cũng khuyên tôi nhưng tôi nói vấn đề là sự tồn vong của đất nước; không thể để cho những người không có trách nhiệm hoặc vì lợi ích phe nhóm mà làm đất nước đi đến chỗ xấu. Như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của sự hy sinh xương máu đồng bào hai miền.
Tôi nói thật là khi chúng tôi tham gia phong trào sinh viên học sinh thì ngoài vấn đề chống xâm lược thì chúng tôi còn mơ ước sau hòa bình, sẽ có một chế độ tốt đẹp hơn. Nhưng bây giờ thì có nhiều cái còn xấu hơn cái cũ. Nhưng mà lương tâm của một người công dân, một người trí thức là tôi không thể chịu đựng nổi.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông.

Nguồn: rfa.org





Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Cảnh báo nguy cơ bất ổn chính trị từ đất đai

Cảnh báo nguy cơ bất ổn chính trị từ đất đai

Bài viết của phóng viên Quỳnh Chi:
Người nông dân quyết tâm giữ đất trong khi Nhà nước vẫn kiên định với hình thức công hữu về tư liệu sản xuất. Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, nguy cơ chính trị có thể diễn ra nếu mấu chốt này không được giải quyết triệt để.

Người dân còn bị ức hiếp đến bao giờ

 Tình hình tại Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nóng trở lại khi ngày 5 và ngày 6 tháng 6, chủ đầu tư dự án Ecopark cho xe đến sang ủi khu đất tại cánh đồng bị cưỡng chế, trong đó có vùng còn đang nằm trong tranh chấp. Hình ảnh ghi lại cho thấy rất đông bà con, đa phần là những người chưa nhận tiền bồi thường đã ra phản đối và canh giữ đất của mình. Từ Phụng Công, một nông dân cho biết bà con nơi đây quyết tâm giữ đất để canh tác:
“Chúng tôi không ngại ai cả. Chúng tôi còn hơn 52% số hộ chưa nhận bồi thường. Chúng tôi cứ một lòng một dạ giữ đất đến cùng“Đã đến nước này thì chúng tôi một mất một còn. Bây giờ cuộc sống chúng tôi chỉ còn một sào ruộng mà họ cố tình thì chúng tôi cũng phải đi đến cùng. Nếu phải đổ máu thì chúng tôi cũng chấp nhận thôi, không làm gì được”.
Phần lớn dân số Việt Nam là nông dân, phải dựa vào đất để sống. Đối với những người trên 40 tuổi, nông nghiệp là cách mưu sinh duy nhất vì họ không thể tìm việc tại các xí nghiệp. Nông dân trên nói thêm:
“Bố mẹ làm ruộng đã khổ rồi thì phải cho các con ăn học. Nếu chúng tôi bỏ đi, không giữ đất thì con chúng tôi thất học hết”.
Tình trạng nông dân quyết tâm giữ đất để canh tác không chỉ xảy ra ở Văn Giang. Hiện tại, nông dân từ khắp các tỉnh thành trên cả nước mỗi tuần vào ngày thứ Ba (là ngày tiếp dân), thì nông dân lại kéo ra Hà Nội khiếu kiện.  Có thể kể đến bà con huyện Dak Nông, Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), Bù Đăng (Bình Phước), Vụ Bản (Nam Định), Văn Giang (Hưng Yên)… Nhiều năm gần đây, tình hình cưỡng chế đất đai và đền bù bất hợp lý đã gây ra nhiều khiếu kiện tập thể.
Từ sau khi vụ cưỡng chế gây xôn xao đối với gia đinh ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), sự kiện về đất đai đã nóng lại càng thu.

Sự rạn nứt giữa người dân và chính phủ

Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, sự việc này thể hiện sự “phản cảm” và “nhục nhã” đối với những người lãnh đạo mà người gây ra nó không ai khác hơn là những thành phần “tiêu cực” trong Nhà nước và Đảng CSVN:
“Các vị hay nói đến kẻ xấu và diễn biến hòa bình nhưng kẻ xấu đó là chính trong nội bộ chính quyền, Đảng. Họ đã làm những việc vô nhân đạo khiến cho người dân phải bất bình, nhất là trong vấn đề đất đai. Mọi cái đều xuất phát từđất đai hết”.
Sau khi vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đăng đàn chỉ đạo giải quyết.  Gần đây nhất, người đứng đầu chính phủ cũng có chỉ đạo Thanh tra chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi Trường cùng các bộ ngành có liên quan làm rõ vụ  cưỡng chế tại Văn Giang. Tuy nhiên, sự việc tại Tiên Lãng mặc dù đã qua 4 tháng kể từ  ngày có chỉ thị của Thủ tướng vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến nhiều người nghi ngờ rằng đây không phải là một cách giải quyết hiệu quả. Theo ông Lê Hiếu Đằng, nếu chỉ đạo của Thủ tướng không được xem trọng, thì “chính quyền trung ương rất bất lực trước những sự lạm quyền, lộng quyền của chính quyền địa phương”.
Người dân quyết tâm giữ đất trong lúc chính phủ yêu cầu giải quyết và chính quyền địa phương lại im lặng – như một mối thắt thể hiện sự bất thuận giữa người dân đối với chính phủ và chủ đầu tư trong vấn đề đất đai. Ông Lê Hiếu Đằng cho biết, mấu chốt vấn đề nằm ở quyền sở hữu tư liệu sản xuất mà Nhà nước và Đảng CSVN cần xem xét tới:
“Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Đảng và Nhà  nước phải xem xét lại nhân sửa đổi hiến pháp hiện nay. Phải công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, nhất là nông dân, những người chịu hi sinh nhiều trong chiến tranh”.
Nghị quyết Trung ương 5 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước có quyền trưng thu để thi công các công trình công cộng. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có nhiều vụ thu hồi, cưỡng chế trái luật khiến nông dân bức xúc, điển hình là vụ nông dân Thái Bình nổi dậy chống lại chính quyền vào tháng 6 năm 1997 mà gần đây cuốn Từ điển Thái Bình do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản 2010 đã chính thức nói đến. Chính vì thế, đã có nhiều quan ngại cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì sẽ gây ra những bất ổn chính trị như ông Lê Hiếu Đằng chia sẻ sau đây:
“Theo tôi, nếu “anh” không công nhận thực tế đó và không công nhận ý chí và nguyện vọng của dân về đất đai thì bản thân “anh” tự gây khó cho “anh” và sẽ tạo ra những bất ổn chính trị. Nguy cơ mất lòng dân lớn và gây nguy cơ sụp đổ chính quyền. Thời chống Pháp cũng vậy. Cho  nên tôi nghĩ nếu Đảng và Nhà nước sáng suốt thì xem xét lại”.
Hình ảnh những nông dân chống đối cưỡng chế nhưng vẫn mang theo lá cờ đỏ sao vàng cho thấy người dân vẫn còn hy vọng vào cấp lãnh đạo cao nhất. Tuy  nhiên, theo người nông dân tại Văn Giang, đây chỉ là “lòng tin mà nông dân nơi đây cố giữ” vì không biết bám víu vào đâu. Điều này cho thấy cảnh báo về sự rạn nứt giữa người dân và những người lãnh đạo không phải thiếu cơ sở.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Quan hệ Việt – Mỹ: Thả con săn sắt bắt con cá rô


Nhân đọc báo cáo quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ – Việt
SGTT.VN - Vấn đề không phải là bỏ qua lùm xùm để thu về món lợi lớn hơn. Với tư cách là một trong những chìa khoá để cân bằng lực lượng ở khu vực, Việt Nam trước sau nhất định sẽ vô hiệu hoá những cái bẫy đang cản trở sự thăng hoa trong quan hệ Việt – Mỹ.
Nhưng liệu những thông điệp ông Panetta mang đến Hà Nội lần này đã được đón nhận một cách thuận lợi, để nâng cấp hơn nữa mối quan hệ quan trọng không chỉ đối với hai nước?

Chuyến thăm còn hơn cả một biểu tượng
Bộ trưởng Panetta đã khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Ông Panetta bày tỏ hài lòng về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ thời gian qua, mong muốn hai nước tiếp tục tích cực triển khai thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bộ Quốc phòng ký năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp lại: Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Mỹ với tư cách là cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống.

Những cái bẫy trong quan hệ Việt – Mỹ
Trong tiếp xúc với ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cả hai bên đều không nhắc đến thuật ngữ “tiến tới quan hệ đối tác chiến lược”, vốn đã trở nên rất quen thuộc và được đón đợi đối với truyền thông Việt – Mỹ lẫn quốc tế trong mỗi dịp trọng đại như vừa qua. Nhiều dự đoán được đưa ra. Có thể chuyến thăm của ông Panetta thu được những kết quả vượt dự kiến, nên cả hai bên đều không muốn làm nóng thêm phản ứng trong khu vực? Có thể mỗi bên đều có lý do để kìm bớt sự hưng phấn trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn còn những “khúc nhôi” chưa giải toả hết?
“Khúc nhôi” hay “cái bẫy” cũng thế thôi! Đó là quá trình Việt – Mỹ cần vượt qua cái bóng khổng lồ của Trung Quốc trong nâng cấp quan hệ. Thông cáo về cuộc tiếp kiến của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định: “Những hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Mỹ không làm phương hại đến an ninh của các nước láng giềng”. Lập trường của nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines hay Singapore tại Đối thoại Shangri-La vừa qua cho thấy các nước đó đều tự tin vượt qua cái bóng khổng lồ ấy như thế nào.

Đó còn là cả Việt Nam lẫn Mỹ đều phải hoá giải được “cặp bài trùng” dân chủ – nhân quyền trong quá trình thúc đẩy quan hệ song phương, vốn được cho là do phía Mỹ đưa ra để gây sức ép với Việt Nam. Ở đây có những nhân tố về văn hoá và lịch sử cần được xem xét lại. Đối với một Việt Nam mà cuộc vận động “tranh tự chủ, chống ngoại xâm” như cuộc Cách mạng tháng 8.1945 ngay từ đầu đã được Hồ Chí Minh coi là “noi gương Cách mạng của Mỹ và Cách mạng của Pháp”, thì dân chủ – nhân quyền chính là mục tiêu thiêng liêng của toàn dân tộc!

Còn những ai đó chưa hiểu được tầm quan trọng của việc vun trồng và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, thì nên xem lại đánh giá gần đây nhất của trung tâm Nghiên cứu chiến lược an ninh mới của Mỹ, một tổ chức được đánh giá là thân cận với Tổng thống Obama: “Việt Nam là nước nắm giữ chiếc chìa khoá tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực Biển Đông. Nếu Việt Nam không kháng cự nổi trước đà gia tăng sức mạnh của Trung Quốc thì các quốc gia yếu hơn, ít cương quyết hơn… có ít khả năng ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc”.
HOÀNG DŨNG NHÂN

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

ĐƠN TỐ CÁO CỦA NÔNG THỊ BÍCH LIÊN

Tình cờ dạo qua nhà của bác Lê Quốc Quân, thấy đơn này của con gái nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh :
                                           Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập -  Tự Do - Hạnh Phúc
----------------------
    
Hà Nội ngày 18 tháng 4 năm 2012

 ĐƠN TỐ CÁO (lần 2)
    Đảng viên, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm vi phạm đạo đức Đảng viên, vi phạm pháp luật nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Kính gửi: Báo Người Cao Tuổi  

Tôi tên là Nông Thị Bích Liên con gái ruột của ông Nông Đức Mạnh – nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam. Địa chỉ số 70 Kim Mã Thượng phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.


Ngày 09/02/2012, tôi đã viết đơn lần 1 tố cáo với tổ chức và Ông /Bà có trách nhiệm về những vi phạm của cá nhân bà Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu quốc hội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập doàn Minh Tâm về những dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức đảng viên.

Đã hơn hai tháng, cá nhân tôi chưa nhận được trả lời của cơ quan/tổ chức nào về những tố cáo, phản ảnh của tôi. Nay, tôi tiếp tục viết đơn tố cáo lần 2 phản ánh với tổ chức Đảng và ông/bà có trách nhiệm về những vi phạm của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu Quốc hội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm. Cụ thể như sau:


 1. Bà Tâm là Đảng viên, là Đại biểu Quốc hội nhưng đã cấu kết với chồng là ông Phạm Tuấn Linh lừa dối gia đình tôi, lợi dụng tình cảm của bố tôi để vụ lợi:


- Lợi dụng uy tín của bố tôi để tìm mọi cách đáo hạn các khoản nợ, giãn nợ khoảng 900 tỷ đồng của Công ty Minh Tâm mà bà Tâm là Chủ tịch HĐQT.

- Âm mưu chiếm đoạt và phá vỡ mọi thành quả, nền tảng đạo đức cá nhân và gia đình tôi và xã hội, phá vỡ hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 82 năm xây dựng, gìn giữ và phát triển.

Cuối năm 2010, ngay khi Mẹ tôi lâm bệnh nặng, bà Tâm tìm cách tiếp cận bố tôi, dùng các thủ đoạn lấy lòng những người xung quanh Bố tôi và đặc biệt là lái xe riêng của Bố tôi là ông Vũ Văn Sáng (công tác tại Phòng xe, Văn phòng TW Đảng), thông qua lái xe để nắm các thông tin về gia đình tôi. Từ đó, bà Tâm tạo được vỏ bọc cảm thông chia sẻ với Bố tôi, giả tạo tình cảm để lừa gạt và lợi dụng uy tín của Bố tôi .

Tại thời điểm đầu năm 2011, bà Tâm đã có chồng nhưng đã đặt vấn đề tìm hiểu Bố tôi để tiến đến hôn nhân. Chồng bà Tâm là ông Phạm Tuấn Linh – Đại tá, Phó Phòng Kế hoạch, Cục Quân nhu – Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến ngày 30/6/2011 bà Tâm mới ly dị chồng .

Cũng tại thời điểm này, công ty của bà Tâm đang phải gánh khoản nợ hơn 900 tỷ đồng tại các ngân hàng và nhiều khoản nợ cá nhân khác. Bà Tâm đã sử dụng mối quan hệ với Bố tôi để ạo ra sự nể nang của một số ngân hàng khi đến hạn phải xiết nợ.

Ngày 30/6/2011, Tòa xử ly hôn giữa bà Tâm và ông Linh  nhưng ngay sau đó ông Linh vẫn nói với một số người là "Gia đình vẫn hạnh phúc, không có chuyện ly hôn."  Việc này lẽ ra ông Linh phải báo cáo tổ chức, không những thế lại còn thiếu trung thực trả lời với những người xung quanh.

Bà Tâm cũng đã che dấu việc đã ly hôn với các cơ quan quản lý của Quốc hội.

Và các cơ quan chức năng, vi phạm đạo đức đảng viên về minh bạch  thông tin cá nhân: che dấu dư luận và cộng đồng dân cư tại nơi cư trú thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm nhằm mục đích tạo hình ảnh đẹp đẽ để hiệp thương và ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Thực tế, bà Tâm và ông Linh cư trú tại thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình khoảng 10 năm nay. Tại xã Mỹ Đình, tổ dân phố thôn Nhân Mỹ đã tiến hành việc lấy ý kiến nhận xét để hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và ý kiến nhận làm thủ tục Đảng viên chính thức cho bà Tâm trong năm 2011. Tuy nhiên, bà Tâm lại thực hiện ly hôn tại nơi đăng ký hộ khẩu (số 147 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội) chứ không phải tại nơi cư trú để tránh sự quản lý của Chính quyền và tổ chức Đảng nơi thường trú.

Việc tiến hành thủ tục ly hôn của bà Tâm và ông Linh có nhiều điểm mờ ám ( thụ lý xong chỉ có 8 ngày…) việc này đề nghị cần phải được làm rõ:

Ngày 21/6/2011, bà Tâm gửi đơn ra Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội xin ly hôn. Ngay ngày hôm sau 22/6/2011 Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng có thông báo thụ lý việc ly hôn với ông Linh và cũng trong ngày đó, bà Tâm và ông Linh đã ký vào biên bản thuận tình ly hôn.

Ngày 30/6/2011, Tòa án đã xử ly hôn cho hai người. Đối chiếu với các quy định về pháp luật về giải quyết ly hôn tại Tòa án, tôi nhận thấy có nhiều sai phạm về tố tụng cần được làm rõ, cụ thể là:

a)    Theo Luật Cư trú việc ly hôn của ông Linh và bà Tâm lẽ ra phải được thực hiện tại Tòa án Nhân Dân huyện Từ Liêm chứ không phải thực hiên tại quận Hai Bà Trưng.

b)   Trong hồ sơ ly hôn không lưu bản chính Đăng ký kết hôn của bà Tâm và ông Linh mà chỉ có bản sao công chứng được thực hiện ngay trong ngày 21/6/2011. Vì lý do gì các đương sự lại không nộp bản chính đăng ký kết hôn? Vậy có phải sau khi đạt được mục đích lợi dụng uy tín cá nhân của Bố tôi để đảo nợ và tẩu tán tài sản thì ông Linh và bà Tâm quay lại với nhau?

c)   Tại thời điểm ly hôn, ngôi nhà số 147 Mai Hắc Đế và số 2, Nhân Mỹ, Mỹ  Đình là tài sản chung của ông Linh và bà Tâm nhưng đã thế chấp tại ngân hàng để vay nợ cho Công ty bà Tâm. Vậy trong bản tự khai của ông Linh khi ly hôn có nêu rằng không liên quan đến tài chính và nợ của công ty Minh Tâm thì có đúng không?


II . Qua các tài liệu cho thấy tổng nợ vay của công ty Minh Tâm tại các ngân hàng khoảng 800 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn.


Ông Đỗ Ngọc Minh anh trai ruột của bà Tâm vay gần 400 tỷ đồng và bà Tâm vay hơn 400 tỷ đồng tại các ngân hàng: NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Cầu Giấy, NH Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Hà Tây, NH TMCP Công Thương chi nhánh Hưng Yên, NH TM Quốc Tế (VIP) chi nhánh Hà Đông, Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Vietcombank chi nhánh Long An. Việc thực hiện các khoản vay của Công ty Minh Tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật:

-     Tại sao cùng một thời điểm, công ty đã dùng cùng một tài sản để thế chấp vay nợ tại nhiều ngân hàng?

-     Hàng tồn kho, nguyên vật liệu thế chấp vay nợ không thực sự có trong kho.

-     Đánh giá giá trị tài sản thế chấp vượt quá giá trị thực để được vay số tiền lớn hơn giá trị thực tế của tài sản thế chấp.

-     Hiện nay, trước sức ép phải trả các khoản nợ gốc và lãi lớn của ngân hàng và đặc biệt là nhiều khoản vay bằng sổ đỏ của nhiều cá nhân khác, bà Tâm đang  bằng mọi thủ đoạn để tiếp tục được bao che dưới vỏ bọc là vợ của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh để không ai dám trực tiếp đến tận nhà đòi nợ được .

Ngày 08/9/2011, chưa đến ngày giỗ đầu mẹ tôi, bà Tâm đã xúi giục bố tôi làm đăng ký kết hôn tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đăng ký kết hôn này sai pháp luật nên đã bị hủy (văn bản số 119/UBND – VP Huyện Na Rì). Bà Tâm đã dùng giấy kết hôn sai luật này tới các ngân hàng để gây sức ép, yêu cầu cho bà Tâm gia hạn vay nợ.

Để theo đuổi mục đích của mình, ngay trong ngày UBND Huyện Na Rì có văn bản thông báo về việc hủy kết hôn trái pháp luật, bà Tâm lại tiếp tục bằng mọi cách đăng ký kết hôn tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi đăng ký hộ khẩu của bà Tâm. Song thực tế bà Tâm đã không sống tại đây khoảng 10 năm nay. Việc đăng ký kết hôn do phường Quan Thánh, quận Ba Đình – nơi đăng ký hộ khẩu và là nơi đăng ký thường trú của Bố tôi. Như vậy, bà Tâm bằng mọi thủ đoạn phải có được Giấy chứng nhận Đăng ký kết hôn để ép các ngân hàng và các cá nhân giãn nợ khi các khoản nợ đã đến hạn thanh toán. Vậy, phải gây sức ép tới các Ngân hàng và cá nhân để gia hạn nợ, đảo nợ, trốn tránh pháp luật.

Chúng tôi được biết, ngày 15/3/2012, công ty Minh Tâm đã tiến hành thủ tục tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh nhằm thay đổi cổ đông sáng lập công ty và thực hiện việc thông báo theo thủ tục bắt buộc về thay đổi này từ ngày 09/4/2012 đến ngày 09/5/2012. Phải chăng đây là dấu hiệu để bà Tâm đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật của chính bà Tâm đã thực hiện thời gian vừa qua tại công ty Minh Tâm?

Cho đến thời điểm này gia đình tôi gồm họ tộc và con cháu không hề biết mặt bà Tâm và bà Tâm cũng không có lời nói hay hành động nào đối với bất kỳ một người nào trong họ tộc chúng tôi về việc sẽ bước vào gia đình tôi thay thế tư cách của mẹ tôi?

Tôi và toàn thể gia tộc quá đau xót khi đặt câu hỏi về:

- Động cơ, mục đích và những uẩn khúc của việc ly hôn và cả việc đăng ký kết hôn vội vàng khi chưa đến giỗ đầu mẹ tôi.

- Động cơ, mục đích của việc cố tình có được đăng ký kết hôn lần thứ hai ngay trong ngày hủy đăng ký kết hôn trái pháp luật lần thứ nhất . Phải chăng, nếu không có vỏ bọc của vợ nguyên Tổng Bí thư thì bà Tâm sẽ bị khởi tố, xét xử do các hành vi vi phạm pháp luật của bà?


Là người phụ nữ đã có chồng và 2 con, là đại biểu Quốc hội được tái cử nhiệm kỳ 2 là đảng viên mới được công nhận chính thức, lẽ ra bà Tâm cần phải có cách ứng xử có văn hóa trong việc tiến hành hôn nhân với bố tôi. Nhưng qua hành vi của mình thì bộc lộ rõ bà Tâm chỉ cần tờ đăng ký kết hôn với bố tôi chứ không phải muốn đem lại hạnh phúc đích thực cho Bố tôi nên đã có những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức, trái luân thường đạo lý người Việt Nam mà một người phụ nữ bình thường cũng không thể làm như vậy được .

Với hàng loạt hành vi sai trái của bà Tâm như vậy, dù chỉ là một công dân cũng phải được xem xét, làm rõ huống chi là một đại biểu Quốc hội -thành viên của Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đại diện cho nhân dân.

Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc của Nghị quyết TW 4 Khóa XI của Đảng, với những lý do nêu trên, tôi viết đơn này rất mong tổ chức Đảng, Ông/Bà và các cơ quan chức năng làm rõ, kiểm tra, xem xét kịp thời, ngăn chặn và xử lý những sai phạm của bà Tâm để tránh những hậu quả và sự tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Quốc hội và Chính quyền nhân dân.

Tôi đề nghị :

1- Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng có ý kiến kết luận chính thức về những việc đã làm của bà Tâm như đơn tố cáo đã nêu. Việc đúng hay sai cần trả lời rõ và có ý kiến chính thức về những việc đã làm của bà Tâm như tố cáo đã nêu. Việc đúng hay sai cần trả lời rõ và có ý kiến chính thức cho Bố tôi và bà Tâm. Mặc dù bà Tâm không thuộc diện đảng viên do Trung ương quản lý nhưng vi phạm của người mang danh vợ của nguyên Lãnh đạo cao cấp của Đảng thực hiện các hành vi làm tổn hại đến uy tín của Đảng cần được làm rõ. Để xảy ra sự việc nêu trên là điều hết sức đau xót, tổn hại tới uy tín của Đảng và cá nhân lãnh đạo Đảng trước dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.

 2- Tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng và các cơ quan chức năng gặp trực tiếp bà Tâm để thẳng thắn làm rõ:

Bà Tâm với tư cách là Đảng viên, là Đại biểu Quốc hội có biết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân và những điều Đảng viên không được làm, phải biết hy sinh cho tổ chức, vì hình ảnh và uy tín của tổ chức Đảng, phải tuân thủ pháp luật chứ không thể đứng trên pháp luật, vi phạm pháp luật như thực tế đã tiến hành.

Các hành vi trái đạo đức, luân thường đạo lý, nguyên tắc của Đảng, pháp luật nhà nước của phải được làm rõ, cụ thể trách nhiệm của bà Tâm, những cá nhân liên quan và thông báo công khai với gia đình tôi và các tổ chức, cơ quan quản lý có liên quan về những nội dung đơn đã nêu.

3- Bà Tâm phải kiểm điểm làm rõ theo tinh thần Nghị quyết TW 4, Khóa XI của Đảng về những việc làm nêu trên đã gây nhiều hậu quả xấu, trước chi bộ và đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tư cách Đảng viên, Đại biểu Quốc hội trước tổ chức Đảng, trước nhân dân… Liệu có còn xứng đáng hay không?

4- Đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến trả lời công khai về tư cách đại biểu quốc hội của bà Tâm có còn xứng đáng đại diện cho dân không?

5 - Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, cụ thể là:

Việc bưng bít thông tin xung quanh Bố tôi đối với gia đình tôi của những cá nhân cán bộ bảo vệ và phục vụ cho Bố tôi. Tại sao không thông tin cho gia đình tôi và tổ chức Đảng được kịp thời, để sự việc xảy ra mà gia đình tôi không hề được biết? Những cá nhân này chịu trách nhiệm như thế nào trước Đảng, trước tổ chức và với chính đạo đức của người Đảng viên?

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ làm chưa hết trách nhiệm và cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể. Để xảy ra sự việc nêu trên là điều hết sức đau xót, tổn hại tới uy tín của Đảng và cá nhân lãnh đạo Đảng trước dư luận xã hội và quần chúng nhân
                                                                           
 Người viết đơn     
                                       Nông Thị Bích Liên