Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

NGƯỜI KHÔNG VÌ MÌNH, TRỜI TRU ĐẤT DIỆT

Đó là câu ngạn ngữ của Á đông có nghĩa, một con người trong cuộc sống mà không biết vì mình thì sẽ bị trời tru đất diệt.
Mới nghe qua ai cũng cho như vậy là người quá hẹp hòi ích kỷ, chỉ biết mình mà không biết đến mọi người...và thường bị chê trách hoặc là lên án.
Tuy mhiên nếu suy cho thấu tình đạt lý câu ngạn ngữ này, thì mới hiểu được sự tồn tại của nó trong suốt mấy ngàn năm qua và đã làm kim chỉ nam cho không biết bao nhiêu người, khi đã nhận diện được nội hàm bên trong của nó.
Thật vậy, con người khi đã bước chân vào cuộc sống mà không biết vì bản thân mình mà ra sức thực hiện những ước mơ, hoài bảo hầu tạo dựng công danh, sự nghiệp cho riêng mình, thì ai sẽ là người làm thế cho mình đây ? Không có ai cả !
Đã qua rồi thời thơ ấu, đã có đấng sanh thành vì mình mà lo toan mọi việc để cho mình được khôn lớn nên người. Giờ đã trưởng thành rồi mà không biết vì mình để ra sức học tập, trau dồi nhân cách và những kỷ năng cần thiết cho cuộc sống thì cho dù trời không tru, đất không diệt đi nữa thì  ta cũng không còn đầy đủ năng lực để mà tồn tại, chứ còn nói chi đến mọi việc trên đời này.
Tuy nhiên, khái niệm vì mình cũng tạm chia ra 2 tầng lớp Chính và Tà.
- Tầng lớp chân chính là những người có trí dũng, có hiểu biết về truyền thống đạo lý nhân bản của con người.
Tầng lớp này họ thông hiểu, vì mình cũng đồng nghĩa với vì mọi người, hay nói theo cách khác : Họ biết vì mình là để biết vì mọi người để khi hành xử trên các mối quan hệ họ vì mọi người như vì chính bản thân mình, đúng như lời thánh nhân đã dạy : Vi bỉ giả , do vi kỷ dã”.( Vì người như vì mình) Còn người không biết vì mình, thì họ cũng sẽ không biết đến việc phải vì ai?
- Cho nên tầng lớp này họ luôn tâm niệm, mình không biết vì mình mà tự chăm lo cho sức khỏe, bảo toàn thân thể thật tốt, thì bệnh tật sẽ kéo vào và khi đó sức khỏe bị suy tàn, cơ thể bị khiếm khuyết thì mọi toan tính, mọi ước mơ hoài bảo trong cuộc đời cũng sẽ không còn tìm đến nữa. Và như vậy thì cuộc sống của họ phải đối diện trước bệnh tật, đói nghèo và bị tất cả mọi người đều khinh khi, xa lánh. Đây có phải  là trời tru đất diệt không?
Còn trái lại, họ biết vì mình mà tích cực chăm sóc bản thân, giữ gìn sức khỏe tốt, thì những người thân cũng không phải bận tâm về sức khỏe, bệnh tật của mình. Khi đã có đầy đủ sức khỏe thì mình sẽ ra sức  học tập để làm việc, để yêu thương, đùm bộc, chỡ che hay giúp đở mọi người. Và điều quan trọng  là mình sẽ thực hiện được những ước mơ, hoài bảo và khi đó cũng là thời điểm tốt để ra sức phục vụ cho nhu cầu an sinh của xã hội.
Như vậy có phải họ vì mình cũng có nghĩa là vì mọi người trong xã hội không?
Về lĩnh vực khác, nếu họ không biết vì mình mà ra sức học tập, trau dồi về tư cách, đạo đức lẫn nghề nghiệp để mình có đầy đủ năng lực hành xử trên các mối quan hệ thân tình như : cha mẹ, anh em, vợ chồng và con cái thì làm sao họ có thể làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, tình nghĩa của vợ chồng, thâm tình cùng anh em, làm nghiêm đường để dưỡng dục con cái. Và làm sao để xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc được?
Còn như họ biết vì mình mà hành xử vuông tròn trên các mối quan hệ này, thì có phải là cha mẹ họ cũng sẽ được vui lòng, vợ chồng cũng được hòa thuận, con cái lại được thảo hiền, anh em thì tình như thủ túc và điều quan trọng là cả nhà đều yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng cho mái ấm của gia đình ngày càng hưng thịnh. Đó có phải là vì mình cũng có nghĩa là vì mọi người thân yêu nhất của gia đình mình không ?
Gia đình là tế bào của xã hội, mà có nhiều gia đình được ấm no hạnh phúc, thì có phải xã hội sẽ được phú cường không? .
Ngược lại, người không biết vì mình mà hành xử trên các mối quan hệ này, thì những bi kịch, những thảm họa từ các thành viên thân yêu nhất của gia đình này lần lượt đem lại mà tất cả mọi người đều phải đón nhận, trong đó xã hội cũng đương nhiên tiếp lấy những tế bào này. Đây có phải bị trời tru đất diệt không ?

- Người ta thường nói : Một năm bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc. Con người bước vào tuổi thanh niên, thì thể chất và trí tuệ đều được trưởng thành, nên họ đều có suy nghĩ riêng và hành động độc lập, cho nên ai cũng đều có nhiều ước mơ, hoài bảo. Nếu trong từng con người có duyên nghiệp với ngành nghề nào, thì những ước mơ hoài bảo kia sẽ biến thành sở thích, niềm đam mê theo ngành nghề đó. Như người thích ngành y học để trị bệnh cứu người, có người lại say mê kiến trúc, hội họa, nhà báo, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà vật lý, nhà toán học, nhà yêu nước.v.v...
Nếu họ biết vì mình mà ra sức học tập và rèn luyện ngành nghề này cho đến khi công thành, danh toại thì 2 chữ công danh sẽ là bằng chứng nhận địa vị của mình đối với xã hội. Lúc này thì mình mới có đầy đủ năng lực và tư cách của một người thầy thuốc, một kiến trúc sư, một quan chức công quyền... cùng nhiều cơ hội phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội, thì có phải họ biết vì mình cũng là vì mọi người không ?

Còn trái lại họ không biết vì mình mà phấn đấu, thì coi như đường công danh sự nghiệp của riêng họ cũng sẽ bị khép lại và cũng đừng mơ tưởng đến địa vị công hầu, hoặc có công trạng gì với xã hội và đất nước. Ngoài ra họ họ cũng đừng mơ tưởng đến 1 cuộc sống tiện nghi, nhà cao cửa rộng, quyền quí cao sang. Và sau này họ cũng đừng than rằng: tại sao họ lại bị trời tru đất diệt đường công danh sự nghiệp của mình...

-         Tầng lớp thứ 2 là gian Tà.
Tầng lớp này là những người tiểu trí thiếu hiểu biết, thiếu hấp thụ về đạo lý nhân bản của con người, lại còn đam mê danh lợi.
Tầng lớp này họ cũng biết vì mình, nhưng mang nhiều đặc tính về bản năng của loài sinh vật hơn là của một con người. Có nghĩa là họ cũng biết vì mình nhưng lại không cần biết đến việc vì mọi người. Đó là loại người ích kỷ, hại nhân nên họ luôn dùng mọi thủ đoạn để mưu cầu lợi ích cho mình, cho bè đảng của mình và không cần biết những lợi ích kia là sự tước đoạt trên sự đau khổ, tang thương, chết chóc của biết bao nhiêu người, tùy theo môi trường, địa vị và lòng tham của họ.
Thông thường tầng lớp này họ chỉ trổi lên khi khí âm tà thắng thế, khí dương cương chính nghĩa bị suy vi, dù trong phạm vi của một gia đình hay một quốc gia cũng vậy. Họ cũng có đầu óc rất thông minh nhưng lại kèm theo nhiều mưu mô, gian xảo và họ  rất tôn thờ những chủ thuyết thực dụng, phi nhân bản.
Cho nên sự vì mình của họ cũng rất nhiều kênh, bằng mọi giá để có được công danh, địa vị và quyền lực trong xã hội để mưu cầu lợi ích. Một khi họ đã xác lập được quyền lực trong tay thì cũng là lúc họ dùng mọi thủ đoạn, kể cả xấu xa, tàn ác nhất để khống chế, đàn áp, bốc lột đến tận xương tủy của đồng loại mình, miễn sao cuộc sống của họ cùng bầy đàn thê tử được vinh thân phì da, mặc cho sinh linh đồ thán...
Tầng lớp này nếu họ thiết lập được quyền uy trong một gia đình, một cơ quan, thì họ sẽ là một ông chủ độc tài, bảo thủ chỉ là đúng, là phải là chân lý và bắt mọi người phải phục tùng vô điều kiện, không cần quan tâm đến những gì mà mọi người cần phải có...
- Nếu họ là một người thầy thuốc, thì họ sẽ tính sổ để kinh doanh với đồng loại của mình đang bị ốm đau, bệnh tật ; Nếu là nhà văn, nhà báo, nhà sử học thì họ sẽ bẽ cong ngòi bút để kinh doanh theo đơn đặt hàng của những người có thế lực, lẫn kim tiền.
- Nếu họ là nhà lãnh đạo của một quốc gia, thì họ sẽ trở thành nhà độc tài, toàn trị. Đối với họ, dưới trời này chỉ có họ mới là người có quyền uy tối thượng, luôn thi hành chính sách ngu dân, bắt mọi người phải luôn ngoan ngoãn thần phục. Nếu người nào có ý kiến khác, là họ  sẵn sàng  dùng mọi hình luật để khuất phục, trong đó có cả các hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo và độc ác nhất để tiêu diệt.
Ngoài ra, đầu mối của mọi tệ nạn tham nhũng, bè phái, mua quan, bán nước, đục khoét  cạn kiệt tài nguyên của đất nước, sức sống của người dân, làm cho nước mất nhà tan làm băng hoại nền móng của xã hội... cũng xuất phát từ tầng lớp cai trị này ...   

Nói tóm lại, thông điệp của câu ngạn ngữ trên là thánh nhân xưa muốn nhắn gửi đến mọi người là phải biết vì mình mà trong đó phải có vì mọi người và vì mọi người thì cũng giống như vì bản thân mìnhVi bỉ giả , do vi kỷ dã”.   Nhằm làm  cho cuộc sống ai cũng biết vì mình mà luôn biết vì mọi người. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nếu muốn vì mọi người, thì trước hết mình phải biết vì chính bản thân mình để tạo dựng thành công trạng, rồi sau đó mới nói đến việc vì mọi người, vì xã hội, vì quốc gia dân tộc được.
Vì con người có thông qua giai đoạn này, thì mới có đầy đủ tư cách và năng lực để thực hiện lời dạy của thánh hiền xưa.

                                                                    transi