Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

                                          Luận bàn về Tây Du Ký

Xưa từng được nghe quý Thầy tu bên Đạo kể về xuất xứ của 2 tác giả thực trong Tây Du ký là do Khưu Trường Xuân viết và Phong Thần Diễn nghĩa là do Bạch Vân thiên Sư viết, và 2 tác phẩm này đồng thời cùng xuất hiện.

Theo lời kể , thời đó Bạch Vân Thiền Sư là người tu Phật, rất có trí tuệ nhưng chưa đắc đạo đã bị thua Khưu Trường Xuân tu bên Tiên trong một sự kiện làm mất hết thể diện của vị thiền sư trước mặt Ngươn Thuận Đế cùng Hoàng Hậu, đồng thời lại còn bị mất cả ngôi chùa Bạch Vân Tự về tay người thắng cuộc!.
Lý do Thiền Sư bị thua cuộc vì Trường Xuân Chân Nhân đã dùng phép thuật để trộm long, tráo phụng khi Hoàng hậu lâm bồn để hoán đổi từ Hoàng tử thành ra Công chúa trước mặt nhà vua.
Vào thời kỳ này cũng là lúc giữa người tu Phật và tu Tiên thường xuyên xung đột, kỳ thị, bài xích lẫn nhau. Cho nên qua trận đấu tài này, Bạch Vân thiền sư lại càng câm hận, oán thù Trường Xuân Chân nhân hơn.
Cho đến khi hai người hòa thuận, Khưu Chân Nhân đem công phu tu luyện của mình trao cho thiền sư, sau đó thiền sư vận dụng công phu tu luyện này với pháp tu của mình hòa hợp lại mà tu cho đến khi đắc đạo.
Sau đó Bạch Vân thiền sư mới nhìn thấy rõ tam giáo chỉ có một nguồn dòng. Cho nên sau khi Khưu Trường Xuân viết bộ Tây Du, thì thiền sư lập tức biết rõ ràng từng lời từng chữ, tất cả đều chỉ sự vận chuyển , động tịnh của toàn thân trong suốt quá trình tu luyện của một người tu phật. Và Bạch Vân thiền sư liền đáp lại bằng bộ Phong Thần Diễn Nghĩa. Nội hàm bên trong nêu bậc lên vai trò đi đầu của giới Tiên gia, trong việc thực hành Thiên mệnh, làm đúng ý Trời mà trong đó cũng có góp sức của các vị Phật để tất cả đều cùng nhau duy hộ cho Đạo Pháp của vũ trụ.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ nào đó cũng còn nhằm để hóa giải những chấp trước, bị mê lầm khi phân biệt giữa Phật và Tiên của giới tu hành bên Phật lẫn bên Tiên. Tóm lại, chỉ có một Tiên, một Phật làm ra 2 bộ đại thư này, truyền bá muôn đời đều rất diệu dụng cho đến tận ngày nay. nhưng có lẽ mục đích chính là điểm hóa nhằm di lưu lại cho hậu thế đời sau, khi có người muốn tìm hiểu để bước chân vào Đạo Pháp.
Hơn nữa, Đạo Pháp của vũ trụ vốn rất chí giản, chí dị nhưng bên trong lại mang nội hàm rất uyên bác, thâm sâu từ các tầng tối cao của vũ trụ, nên người đời sau rất dễ dàng minh bạch, khi bước chân vào con đường tu luyện của 2 gia giáo này.
Và giờ đây chúng ta lần lượt tham khảo các trích đoạn đầu tiên bằng những đọan văn, thơ đặc sắc, ẩn tàng Đạo Pháp cao thâm trong bộ Tây Du Ký này.
"Hồi thứ nhất có bài thơ rằng:
Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ.
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời.
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang.
Che chở khắp nhờ ơn trời đất.
Phát minh ra muôn vật tốt thay.
Muốn hay tạo hóa công dày,
Tây du truyện ấy đọc ngay đi nào.
Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm là một nguyên.
Một nguyên chia làm mười hai hội, tức mười hai chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi một hội là mười nghìn tám trăm năm.
Lại lấy một ngày mà nói: giờ Tý được khí dương, thì giờ Sửu gà gáy. Giờ Dần ánh sáng chưa khắp, thì giờ Mão mặt trời mọc. Giờ Thìn ăn cơm xong, thì giờ Tỵ đã liền kề. Giờ Ngọ mặt trời ở giữa trời, thì giờ Mùi ngả về tây. Giờ Thân là lúc mặt trời lặn ở phương tây. Giờ Tuất là lúc hoàng hôn và giờ Hợi mọi người yên nghỉ.
So trong số lớn, đến cuối hội Tuất là lúc trời đất tối tăm mờ mịt, muôn vật ở vào vận bĩ. Vào đầu hội Hợi, đúng lúc đang mờ mịt, người và vật đều chưa có, nên gọi là hỗn độn.
Trải qua bốn nghìn năm trăm năm nữa, hội Hợi sắp hết. Hết vòng lại quay lại từ đầu, chuyển sang hội Tý, trở lại dần dần sáng tỏ. Thiệu Khang Tiết nói:
“Giữa giờ Tý đông chí, Lòng trời chẳng đổi dời
Lúc một dương lay động, Vạn vật chưa ra đời”
Đến đây, trời bắt đầu có rễ. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên, có mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Mặt trời, mặt trăng tinh tú (tinh và thần) gọi là tứ tượng. Cho nên nói rằng: trời mở ở Tý. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, hội Tý sắp hết, gần sang hội Sửu, thì dần dần rắn chắc.
Kinh Dịch nói: “Lớn thay đức nguyên của quẻ Càn! Tuyệt thay đức nguyên của quẻ Khôn! Vạn vật nhờ đó sinh ra, là thuận theo trời”. Đến đây đất bắt đầu ngưng kết. Lại trải qua bốn nghìn năm trăm năm, đúng vào hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống. Có nước, có lửa, có núi, có đá, có đất. Nước, lửa, núi, đá, đất gọi là ngũ hình. Cho nên nói rằng: Đất mở ở Sửu.
Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, hội Sửu hết, hội Dần bất đầu, muôn vật sinh ra. Sách Lịch nói: “Khí trời bay xuống, khí đất bốc lên trời đất giao hòa, muôn vật sinh ra”. Đến đây trời, đất sáng sủa, âm dương giao hòa, Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Dần, sinh người, sinh thú, sinh chim, gọi là tam tài, gồm trời, đất, người định vị. Cho nên nói rằng: người sinh ra ở Dần.
Nhớ xưa từ thuở Bàn Cổ mới mở mang, đời Tam Hoàng vừa cai trị, đời Ngũ đế định ra nhân luân, bấy giờ thế giới mới chia ra làm bốn châu lớn.
1. Đông Thắng Thần Châu.
2. Tây Ngưu Hạ Châu.
3. Nam Thiện Bộ Châu.
4. Bắc Câu Lư Châu.
Bộ Tây Du này chỉ nói riêng về Đông Thắng Thần Châu".
Lời bình riêng:
Nguyên lý cấu tạo hình thành nên Đại Đạo, Đại Pháp của vũ trụ là xuất xứ từ các quy luật vận hành biến hóa của âm dương, đồng thời đây cũng là những nguyên lý đùng để chỉ đạo xuyên suốt quá trình tu luyện cho mỗi môn đồ, đến ngày thành tựu viên mãn . Do đó người tu luyện cần có khái niệm về nguồn gốc vũ trụ khởi thủy của Đạo Pháp của mình như thế nào, dù biết rằng thuyết này đã được di lưu lại từ thời kỳ nền văn minh nhân loại còn sơ khai, chưa cần đến bất cứ loại văn tự gì, nhưng lời đã nói ra chưa kịp đi xa, thì mọi người ai cũng đều được giáo hóa.
Điều đặc biệt nhất trong phần này tác giả cũng có nhắc đến bộ Kinh Dịch, một bộ kinh đứng đầu, (Quần kinh chi thủ) là chúa tể bao trùm lên mọi kinh sách của thế gian. Trong đó có ghi lại tất cả các quy luật vận hành biến hóa của vũ trụ, có liên hệ trực tiếp đến đời sống vũ trụ và con người từ: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo v.v... và từ thời xa xưa con người đã xếp vào loại sách Trời (Thiên thư). Người tu luyện theo Đạo, Pháp của vũ trụ mà không biết loại kinh sách nào tại cao tầng đã ghi chép lại rõ ràng các chu kỳ vận hành diễn hóa của vũ trụ, thì sớm muộn gì cũng bị mất phương hướng, dễ sa chân vào bàng môn tà đạo của thế gian.
Cũng chính vì vậy nên vừa nhập đề Ngài đã ghi lại các chu kỳ vận hành của dương khí vũ trụ, thông qua các chu kỳ nhỏ nhất là tiểu đại chu thiên trong một ngày, một tháng, một năm và phát triển lớn hơn thành một Hội 10.800 năm, một Nguyên là một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm...và lớn hơn nữa là 4 chu kỳ là Thành, Trụ, Hoại, Diệt ... liên tục tuần hoàn không bao giờ ngưng nghỉ.
Và đây cũng là sơ lược, tóm tắc các quy luật vận hành biến hóa của hai khí âm dương trong vũ trụ. Người tu luyện có nắm vững các khái niệm này, thì sẽ tạo ra một nền tảng cơ bản về Đạo Pháp để kiên trì chánh niệm và không bị mê hoặc dẫn đến chấp trước vào bất kỳ chủ thuyết nào, khi luận về sự hình thành nên trời đất, vũ trụ.
Còn tiếp...