Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

"phù phép" đất nông nghiệp thành... quà biếu cho quan tham


Để có quà "đi đêm" cho quan chức, những miếng đất nông nghiệp được phù phép với giá rẻ không tưởng, xung quanh đó là các câu chuyện về thủ thuật hợp pháp hóa số tài sản này.
Thời gian gần đây, trên các báo đăng tải thông tin con trai một bí thư tỉnh ủy xây "phủ đệ" với khu vườn thượng uyển được cho là "hàng trăm tỷ đồng". Thực hư sự việc còn chưa được sáng tỏ, nhưng không ít người nghi ngờ về nguồn gốc khoản tiền này bởi trong khi lương công chức thì thấp nhưng con vị bí thư này lại sở hữu khối tài sản quá lớn là nghịch lý mà ai cũng nhìn thấy. Trong số đó, có ý kiến còn cho rằng, phủ này được xây dựng cùng thời điểm với một dự án nào đó đang được triển khai tại tỉnh.

Có hàng loạt những câu chuyện kể về việc "đi đêm" trong giới doanh nghiệp với những người có tiếng nói quyết định trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhất là dự án bất động sản.

5-20% tổng dự án là dùng để "đi đêm"

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án đứng trước nguy cơ phá sản, việc chạy dự án của chuyên viên pháp lý càng trở nên gian truân. Giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, Tp.HCM, cho biết, để chạy thủ tục một dự án tốn nhiều thời gian, công sức và tài chính, thậm chí có những dự án theo đuổi cả chục năm trời. Trong tất cả các bảng báo cáo tài chính dự án đầu tư của các công ty bất động sản này, chi phí cho "việc đi đêm" gọi là "chi pháp lý" khoảng từ 5-10% tại Tp. HCM, 15-20% tại Hà Nội trên tổng kinh phí đầu tư dự án.

Ví dụ, tổng giá trị đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng thì chi phí cho thủ tục "xin xỏ" là từ 5-20%, tức là 50-200 tỷ đồng, tùy theo "luật" vùng miền. Điều quan trọng là chuyển khoản tiền này như thế nào cho hợp lý với bản cân đối kế toán dự án và hợp pháp với khối tài sản của người được nhận. Người thực hiện nhiệm vụ này không ai khác chính là chuyên viên pháp lý dự án hay người ta hay gọi là "cò" chạy pháp lý dự án.
Khi đất nông nghiệp trở thành dự án bất động sản, giá của nó sẽ nằm ở... trên trời 

Theo anh P., một người có "thâm niên" trong việc "đi đêm" các dự án này cho biết: tiền sẽ được rải trong quá trình thực hiện pháp lý dự án, từ duyệt quy hoạch kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư, họp liên ngành, họp định giá tiền sử dụng đất, quyết định giao đất; đến duyệt 1/500, giấy phép xây dựng... những khoản tiền lặt vặt này cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

"Làm phép" để biến đất hoang, đất nông nghiệp thành dinh thự

Tuy nhiên những khoản chi nói trên mới chỉ là chi phụ, còn khoản tiền chính chi cho các nhân vật có khả năng tác động vào dự án là nhà biệt thự cho con em của họ. Dự án đang được triển khai thì đồng thời, ở đâu đó, người ta cũng phải triển khai xây biệt thự hạng sang cho con em người nhận vài cái là chuyện bình thường, anh P. khẳng định.

Câu chuyện về dinh thự của con trai bí thư tỉnh Hải Dương vẫn còn đang đợi thanh tra nhưng trở lại với vấn đề "chạy dự án bằng đất biếu", theo anh P., chuyên viên pháp lý dự án, việc "đi đêm" bằng nhà đất cho nhân vật quan trọng hoặc con em của họ là chuyện phải có trong thực hiện dự án. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nếu không có những khoản chi này thì chắc chắn không có dự án nào cả", chuyên viên này khẳng định.

Việc hợp thức hóa số tài sản "đi đêm", theo chuyên viên pháp lý trên cũng nhiều thủ thuật khác nhau như: bán nhà giá rẻ cho người thân của nhân vật then chốt, trích tiền chiết khấu... Một trong những chiêu phải nói đến là thủ thuật nhận tiền bồi thường từ giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư.

Trong dự án đầu tư, thông thường quá trình giải phóng mặt bằng có hai loại đất. Thứ nhất là đất thuộc quyền sử dụng của người dân, loại này doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận với người dân về khoản tiền bồi thường theo Đề án bồi thường giải phóng mặt bằng đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Thứ hai, là đất hoang hóa, kênh rạch ... đây là phần đất không phải tiến hành bồi thường giải tỏa mặt bằng.

Để hợp thức hóa tài sản "đi đêm" này, nhiều doanh nghiệp cũng dựa trên phần đất này. Doanh nghiệp "phù phép" cho người thân của người quan trọng đứng tên trên loại đất này nhận tiền bồi thường hoặc nhận nhà. Như vậy, doanh nghiệp cũng có lợi, vì khoản tiền này được khấu trừ theo đề án được phê duyệt khi thực đóng tiền sử dụng đất. Tài sản của người được nhận cũng có nguồn gốc rõ ràng minh bạch, một chuyên viên chuyên giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng cho biết.

Việc "đi đêm" để có một giá tiền sử dụng đất theo giá thị trường "thấp" là phải có. Doanh nghiệp chỉ cần được giảm vài đơn vị trên giá đóng tiền sử dụng đất tính theo m2 là đã thu được một khoản lớn. Một giám đốc công ty bất động sản khẳng định như "đinh đóng cột": "Thế giới bất động sản không doanh nghiệp nào là không thực hiện "nghiệp vụ" chạy giá này. Doanh nghiệp chạy từ khâu thẩm định giá, đến nộp hồ sơ xác định giá, họp liên ngành thẩm định giá...đều được bàn tay của chuyên viên pháp lý dự án sắp đặt với những khoản tiền lên đến chục tỷ".

"Nếu cứ thẳng thừng đóng theo giá thị trường được thẩm định tại vị trí thực hiện dự án thì công ty BĐS có mà...ăn cám. Cái này có lợi cả hai bên thôi, dân trong ngành gọi là "doanh nghiệp biết điều"", vị giám đốc công ty bất động sản ở Tp.HCM nói.

Phù phép quà biếu bằng xổ số

Quà tặng cho người đầu ngành liên quan đến phê duyệt dự án phải tính đến tiền tỷ. Tuy nhiên, theo một "cò" dự án, nhiều vị cũng không thích nhận tiền mặt vì chứa đựng nhiều rủi ro về việc kê khai tài sản. Tặng nhà, tiền đô la cũng trở nên lỗi thời. Việc tặng vài tờ vé số đặc biệt trở thành món quà đáng giá nhân buổi tiệc sinh nhật con trai, hay mừng thọ song thân.

Khi chúng tôi hỏi về việc tìm đâu ra những tờ vé số độc đắc này làm quà? Anh B., một chuyên viên pháp lý bạn của anh P. cười xòa: "Anh có để ý đến nghề săn đổi vé số đặc biệt không? Chẳng phải ngẫu nhiên thỉnh thoảng đi ngoài đường, bàn vé số của một số ông già, bà lão lại treo bảng "đổi vé số đặc biệt" đâu nhé".
Theo anh B., đây là nguồn cung cấp thường xuyên cho ai có nhu cầu tặng quà bằng vé số. Để có nguồn hàng cung cấp, người đổi tại đây được nhiều lợi ích như số tiền trích đóng thuế cho Nhà nước thấp, thậm chí không phải đóng thuế, được hưởng trọn gói giá trị trúng thưởng mà không bị bắt đóng góp bất kể khoản chi phí nào.

"Mua loại hàng hóa này giá khá cao nhất là khi hút hàng, vào thời điểm lễ tết. Chẳng hạn mua hai tờ vé số trúng đặc biệt là giá trị trúng thưởng 3 tỷ, có khi mình phải mua là 3,1 tỷ. Chấp nhận lỗ như vậy, nhưng tài sản "đi đêm" của mình khi vào tay người có quyền quyết dự án hoặc con em họ sẽ là tài sản "sạch", B. giải thích thêm.

Theo "cò" dự án này, quan chức liên quan đến các dự án luôn rất thích những món quà độc đáo kiểu này. Tiền trúng xổ số là tiền "sạch" khi khai báo với cơ quan Nhà nước. Trong buổi tiệc liên hoan trúng độc đắc tiền nhận hối lộ đã được coi như "hợp thức hóa" giữa bàn dân thiên hạ.
"Đây cũng là điều tất yếu trong việc thực hiện chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân?
Chính vì vậy nó đã trở thành miếng mồi ngon, béo bổ cho cán bộ c hính quyền các cấp  để họ thi nhau làm tham quan và mọi người cũng không phải ngạc nhiên khi chính quyền 63 tỉnh thành hầu hết đều đề xuất với trung ương giữ nguyên chế định này mà không tán thành nguyện vọng trả quyền tư hữu đất đai về lại cho người dân.
Chế định này nhà nước có biết mình đang thắt chặt mối quan hệ nào giữa Quỉ và Thần hay không?"
Theo Infonet/Vietnamnet

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Việt Nam phải có tam quyền phân lập để tránh một Nhà nước toàn trị

Thụy My của RFI Việt ngữ đã trao đổi với Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.

Xin chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, vừa qua Hội nghị trung ương lần thứ 5 đã tái khẳng định « đất đai thuộc sở hữu toàn dân ». Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vừa qua sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 nhiều người rất là thất vọng. Bởi vì những chủ trương đưa ra trong nghị quyết hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, nhất là vấn đề đất đai. Mà tôi cho rằng làm như vậy là không thực hiện dân chủ. Bởi vì lẽ ra phải để cho dân, cho nhân sĩ trí thức, rồi các tổ chức, đoàn thể bàn bạc trao đổi trong việc sửa đổi Hiến pháp, mà trong đó có điều khoản về đất đai. Và sau khi đã bàn bạc rồi, trên cơ sở đó Đảng có quyết định và chịu trách nhiệm trước dân, trước lịch sử về quyết định của mình, bằng cách ra nghị quyết. Chứ làm như vậy là một quy trình ngược - bây giờ còn trao đổi gì nữa, nếu khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân ?

Có nhiều ý kiến đề nghị phải xác định là đất đai là có ba quyền sở hữu : sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Thật ra sở hữu cá nhân không ảnh hưởng gì vì khi có nhu cầu quốc phòng, nhu cầu an ninh thì nhà nước có thể trưng thu, trưng mua. Điều này thì nước nào cũng vậy cả.
Nhưng nếu nói đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thì dễ đi đến sự tùy tiện của các cấp chính quyền. Mặc dù có quy định là bao nhiêu năm mới hết hạn, nhưng mà người dân vẫn không an tâm. Mà nhất là tôi thấy vô lý ở chỗ, trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vừa rồi, thì khẩu hiệu của chúng ta là ruộng đất cho dân cày, nên tập hợp được nông dân - chính đây là lực lượng chủ yếu để làm cách mạng.

Nhưng khi cách mạng về, thắng lợi rồi thì bỗng dưng mình lại tuyên bố là đất đai của toàn dân, không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, và nhất là nông dân. Có thể nói đây là một sự phản bội đối với nông dân. Thành ra mới xảy ra nhiều hoàn cảnh đau lòng, như gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng hay mới đây là ở Văn Giang (Hưng Yên), và ở Nam Định.
Chúng tôi nghĩ là Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, và phát biểu khai mạc cũng như bế mạc của ông Tổng bí thư đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Bởi vì trước đó, trong khi thảo luận để sửa đổi Hiến pháp, nhiều nhân sĩ trí thức và kể cả những người có chân trong chính quyền cấp cao trước đây, cũng đề nghị là phải công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân.
Tôi nghe nói là « Ý Đảng, lòng dân », thì rõ ràng là lòng dân đi một đường mà ý Đảng lại đi một nẻo. Như vậy sẽ tiếp tục là một nguy cơ làm mất ổn định chính trị. Chứ không có kẻ xấu, không có đám phản động nào hết, mà chính những chủ trương chính sách bất hợp lý, không phù hợp lòng dân sẽ là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định chính trị.

Vì vậy mà chúng tôi thấy rất là thất vọng và rất buồn, vì lãnh đạo của Đảng Cộng sản lại không thấy hết nỗi khổ của người dân trong những vụ bị thu hồi đất. Và như vậy nó liên quan đến vấn đề chống tham nhũng. Có nghĩa là tham nhũng hiện nay lớn nhất là tham nhũng về đất đai, mà kẽ hở của luật pháp chính là việc không công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân.
Có vẻ chính quyền vẫn chưa muốn rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, hoặc là lo ngại xảy ra tác động dây chuyền, ông nghĩ thế nào ?
Như trong bài viết « Ai biến chất chính trị và ai là người tự diễn biến ? » trên mạng Bauxite Việt Nam tôi cũng đã phân tích, chính vấn đề là những vụ như Văn Giang hay Nam Định đã gây nên sự công phẫn của người dân. Ví dụ như đánh dân – dùng lực lượng công an để đánh dân, mà chính quyền lại chối, nhưng cuối cùng lại lòi ra là đánh không phải dân mà còn đánh hai nhà báo của đài phát thanh Việt Nam. Vấn đề không phải là đánh nhà báo - vì dân thì anh đánh được à ? Như vậy hoàn toàn không phù hợp với cái mà chúng ta thường nói là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chuyện xảy ra ở Văn Giang rất đáng buồn ở chỗ lẽ ra từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút kinh nghiệm. Mà Văn Giang đâu có xa Hà Nội bao nhiêu, nhưng chính phủ trung ương không có một phản ứng gì để giải quyết vụ Văn Giang, đi đến tình hình là xua một ngàn cảnh sát công an đi dẹp dân.
Chính quyền phải thấy rằng những vụ đó sẽ là manh nha nhiều vụ việc khác nữa. Bởi vì không phải chỉ ở Tiên Lãng, Văn Giang hay Vụ Bản, mà ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh miền Nam đều có những bức xúc về đất đai cả. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn trong tình hình hiện nay.
Mà nếu giải quyết không khéo, không đứng về phía quyền lợi của người dân, mà đứng về phía lợi ích của các tập đoàn, thì Nhà nước không phải là Nhà nước của dân do dân vì dân. Không phải là Nhà nước để bảo vệ người nghèo, những người cô thế nữa, mà là Nhà nước để bảo vệ những người có tiền, người giàu, giới chủ, hay như chúng ta thường nói là những tư sản đỏ.
Có lẽ là chấp nhận cho người dân có được quyền sở hữu đất đai mới là lạ, vì hiện nay không dễ gì thay đổi nhanh như vậy phải không thưa ông ?
Tôi cho rằng một Đảng cầm quyền phải dựa trên ý nguyện của người dân để mà ra chính sách, chứ không phải dựa trên lợi ích nhóm, lợi ích của các nhà đầu tư. Mà nếu dựa trên lợi ích của người dân và nhất là nông dân, thì việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai tôi cho là đương nhiên thôi.
Nhưng vấn đề ở đây, nếu nói sửa đổi « lạ » là ở chỗ hiện nay tình hình thực tế là các nhóm lợi ích đã chi phối chính quyền quá nhiều rồi - hay là các nhà đầu tư thông qua đồng tiền đã chi phối các cấp chính quyền quá nhiều ! Thành ra có nhiều người tin rằng việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai là sẽ không thay đổi.
Mà quả thật qua nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, thì rõ ràng suy nghĩ đó là đúng sự thật. Và có thể nói đã gây ra một cú sốc rất lớn đối với số nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân mà từ trước đến giờ đã thảo luận và đã có ý kiến nên công nhận quyền sở hữu về đất đai của người dân, trong đó có nông dân.
Còn về vấn đề lập Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh, theo ông sẽ có tác động được nhiều hơn trong việc chống tham nhũng không ?
Tôi cho là tình hình tham nhũng hiện nay, như ngay báo chí công khai của nhà nước, cũng như một số cuộc họp lãnh đạo cũng thừa nhận là một căn bệnh ung thư đã di căn rồi. Có nghĩa là nó đã đục ruỗng bộ máy nhà nước của chúng ta rất nhiều rồi.
Mà qua công tác từ trước tới giờ tôi vẫn biết, là cấp chính quyền nhỏ thì ăn hối lộ, tham nhũng theo cấp nhỏ, cấp quận thì ăn theo cấp quận, cấp thành phố thì theo thành phố, cấp tỉnh theo cấp tỉnh, trung ương theo trung ương…Nó ăn ruỗng trong nhiều lãnh vực liên quan đến đời sống con người. Ví dụ như lãnh vực giáo dục, lãnh vực y tế, xây dựng chẳng hạn, rồi lãnh vực đất đai. Có thể nói là đã đụng chạm rất nhiều đến đời sống, quyền lợi của người dân.

Vì vậy tôi cho là biện pháp nào để chống tham nhũng cũng phải xuất phát từ chỗ, có thực sự muốn chống tham nhũng hay không. Và có thoát khỏi những ràng buộc, bao vây của những thế lực – mà không phải thế lực thù địch hay thế lực xấu gì, nhưng là những thế lực tài phiệt, kể cả từ các nhóm lợi ích cho đến những nhà đầu tư không « ngay ngắn ». Vấn đề là ở chỗ đó. Còn phương pháp nào thì cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu không thực sự muốn chống tham nhũng, không thực sự chống lại cái xói mòn của tiền bạc vào trong các cấp chính quyền.
Bây giờ ngoài ban chống tham nhũng của chính phủ ra, thì có ban chỉ đạo.Tôi thì ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi còn đương chức đã tham gia rất nhiều ban chỉ đạo, nhưng rồi cuối cùng cái tác dụng của các ban chỉ đạo cũng không có gì ghê gớm cả. Vì nói gì thì nói thì ban chỉ đạo cũng chỉ là ban tổng hợp của nhiều ngành tham gia.

Vấn đề tổ chức cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ là nếu bây giờ Tổng bí thư đứng đầu Ban chỉ đạo thì tôi cũng trông chờ xem hiệu quả của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng như thế nào. Nhưng tôi thấy trước mắt những vụ như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang, ở Vụ Bản (Nam Định), đứng về mặt Đảng thì những vị giữ chức vụ cao trong Đảng không động tĩnh gì hết. Như vậy chưa chắc gì khi có ban chỉ đạo sẽ có tác dụng tích cực, mà vẫn để cho chính quyền hoành hành trong việc giải tỏa đền bù, rồi trong nhiều việc khác, hay là trong vấn đề đầu tư công.
Đầu tư công là một lãnh vực mà tham nhũng hết sức là to lớn. Những vụ làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ hay hàng trăm ngàn tỉ sẽ giải quyết thế nào. Dù sao thì chúng ta cũng chờ xem thử ban chỉ đạo mới thành lập sau nghị quyết trung ương 5 sẽ hành xử như thế nào, từ đó mới thấy rằng Đảng và Nhà nước có quyết tâm thực sự chống tham nhũng hay không. Hay là cũng như những lần trước đây đề ra rất nhiều biện pháp nhưng cuối cùng là không hiệu quả vì không thực sự muốn chống tham nhũng.

Được biết sẽ thành lập lại Ban Nội chính Trung ương đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, như vậy có gì khác không thưa ông ?
Thật ra trước đây đã có Ban An ninh Nội chính trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố rồi, nhưng mà sau đó giải tán, bây giờ lập lại. Tôi nghĩ vấn đề khó khăn ở chỗ đây chỉ là một ban của Đảng thôi. Đứng về mặt luật pháp thì một tổ chức chính quyền được luật pháp quy định thì mới có quyền. Còn ban Đảng, ngay cái tên là chỉ « chỉ đạo » thôi mà, chứ đâu có quyền. Có nghĩa là anh chỉ đạo cái này cái kia, nhưng mà bên chính quyền làm hay không làm thì cũng không sao cả.
Cái này là cái mà từ trước tới giờ gặp rất nhiều khó khăn- có nhiều ban chỉ đạo nhưng không hiệu quả. Mà điều này liên quan đến việc có giao quyền thật sự cho ban chỉ đạo này hay không, hay lại cũng chỉ là hình thức như các ban chỉ đạo khác.
Thưa ông, bên cạnh đó còn có chuyện bố trí người thường dựa vào quen biết, thế lực chứ không phải tài năng. Có lẽ khi nào chưa có cơ chế chọn được người có năng lực vào những vị trí quan trọng thì vẫn còn tham nhũng?

Nhân đây tôi cũng muốn nói một ý mà trong hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 ông Tổng bí thư cũng có nêu, đó là vấn đề tam quyền phân lập. Thật ra muốn chống tham nhũng, muốn một chính quyền hoạt động có hiệu quả, thì phải chấp nhận tam quyền phân lập.
Mà đây không phải là sản phẩm của giai cấp tư sản, nhưng là thành quả từ các kinh nghiệm - kinh nghiệm quản lý đất nước, con người mà ra. Bởi vì tam quyền phân lập mới làm cho các bộ phận được độc lập. Ví dụ như tư pháp có độc lập thì mới dám xử mấy ông tham nhũng chứ ?
Chứ bây giờ tình hình ở Việt Nam là gì ? Là xử theo bản án đã có sẵn, nhất là những vụ nghiêm trọng là cấp ủy đảng đôi lúc có xen vào. Hay là hành pháp cũng vậy. Thành ra vấn đề là phải độc lập thì mới có đủ quyền lực để mà hành xử, để xử lý một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
Ví dụ như ở các nước, Tổng thống tuy là « hạ cánh an toàn » rồi nhưng mà sau họ cũng lôi ra xử. Chứ không phải như Việt Nam chúng ta, hễ « hạ cánh an toàn » rồi thì thôi, hoặc là đương chức thì cũng không thể nào xử được.
Thành ra tôi cho rằng việc tam quyền phân lập là một trong những biện pháp để chống lại một cái Nhà nước toàn trị. Nếu không tam quyền phân lập thì vai trò của Đảng như thế nào ? Đảng trở thành một siêu quyền lực ! Ai giám sát Đảng ? Như vậy sẽ trở thành một siêu quyền lực và dễ đi đến chỗ đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật và đi đến lộng quyền. Đó là điều mà người dân đâu có ủy nhiệm thông qua lá phiếu của mình ?

Vì vậy tôi cho là vấn đề chống tham nhũng, cũng như vấn đề đất đai, thì nó liên quan đến một Nhà nước pháp quyền, trong đó tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập thì mới có hiệu quả. Chứ còn nếu không sẽ dẫn đến chỗ « vừa đá bóng vừa thổi còi » và sẽ không đi đến đâu cả.
Trong thảo luận về sửa đổi Hiến pháp thì nhiều nhân sĩ trí thức cũng đặt ra vấn đề tam quyền phân lập. Ngay ông Nguyễn Văn An từng là Chủ tịch Quốc hội cũng nói, tuy không rõ, nhưng cũng nói hơi hơi cái ý đó.
Đó là mối tương quan giữa vấn đề đất đai, vấn đề chống tham nhũng với một Nhà nước pháp quyền thật sự. Trong đó phải tôn trọng một nguyên tắc chung mà một Nhà nước dân chủ phải tuân thủ : tam quyền phân lập. Và trong tam quyền phân lập thì Đảng cầm quyền cũng phải được người dân giám sát, chứ không thể tự tung tự tác !
- Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Vinalines: 'Nghìn tỷ đồng đổ sông đổ biển'


Theo BBC: Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói tại Quốc hội Việt Nam rằng vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Tổng công ty Hàng hải Vinalines và cựu lãnh đạo bỏ trốn giống 'như chuyện đùa'
Ông Thanh được VnExpress trích dẫn nói hôm 25/5: "Vừa rồi đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ.
"Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột.
"Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa.
"Cử tri bức xúc mà hỏi không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra."
Ông Thanh nói vụ Vinalines cho thấy sự "lỏng lẻo" trong quản lý nhà nước. Điều này thể hiện qua việc chậm phát hiện vấn đề, tiếp tục thăng chức cho cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng, và công an để cho ông này bỏ trốn.
Đây cũng là vấn đề được Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên, phó tư lệnh Quân chủng hải quân nêu ra trong cuộc thảo luận ở Quốc hội.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tướng Nhiên nói:
"Trước đây Vinashin đổ vỡ, nay đến lượt Vinalines. Tại sao những tập đoàn được đầu tư lớn mà chính phủ kiểm soát lỏng thế?
"Thời gian Đại hội XI, người dân nói rất nhiều, bức xúc trước vụ việc xảy ra ở Vinashin, bây giờ đến Vinalines thì ăn nói thế nào với người dân?"
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc bắt Vinalines gánh nợ bớt cho Vinashin càng khiến cho Vinalines gặp khó khăn hơn.
'Thiếu kiểm soát'
Trong số những khoản đầu tư gây thất thoát của Vinalines có việc mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 của Nhật hồi năm 2008.
Ụ nổi này bị cho là quá tuổi sử dụng 22 năm so với quy định của pháp luật Việt Nam và có tốn phí lên tới 24 triệu đô la, gấp đôi dự toán ban đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói chính phủ đã không chú ý đúng mức tới quản lý nguồn vốn ở các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Ngân, còn là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời nói:
"Cái chính là nền kinh tế của chúng ta thời gian qua chạy theo tăng trưởng, nới rộng chính sách tiền tệ, dẫn đến đầu tư tràn lan, Nhà nước mất khả năng kiểm soát. Nhà nước không đủ lực để kiểm soát đầu tư.
"Các tập đoàn lại quá lớn trong khi khả năng kiểm soát có giới hạn."
Tiến sỹ Ngân nói với bờ biển dài, Việt Nam có những tập đoàn để khai thác kinh tế biển như Vinashin và Vinalines là đúng nhưng cơ chế quản lý "chưa rõ ràng, minh bạch".
Cũng giống Tiến sỹ Ngân, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
"Lỗi chính là do hệ thống của mình thiếu kiểm soát," Tiến sỹ Cung nói với VnExpress.
"Việc chọn đóng tàu, phát triển vận tải biển là một chiến lược đúng. Tuy nhiên hai "Vina" đã thực hiện chưa đúng chiến lược đó. Nói một cách khác, chiến lược đúng, nhưng chiến thuật thì sai."
Ông Cung cũng cho rằng Việt Nam nên buộc các công ty nhà nước phải công bố thông tin như những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, dùng những bên có liên quan tới doanh nghiệp như các nhà đầu tư, nhà cung ứng, bạn hàng, đối thủ cạnh tranh để giám sát doanh nghiệp nhà nước.
Duy 'ý chí'
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói mô hình phát triển của Việt Nam cũng góp phần tạo ra các vấn đề như Vinashin và Vinalines.
Ông Kiêm nói với báo Sài Gòn Giải Phóng:
"Ở các nước, tập đoàn phát triển tự nguyện, theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải sát nhập với nhau để thành tập đoàn.
"Còn chúng ta phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải thực tế đòi hỏi.
"Do đó chúng ta phải gánh hậu quả như việc các tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, quản lý nhỏ còn chưa được nay đã phải quản lý lớn, công nghệ què quặt, rồi khả năng quản trị hạn chế, khiến kinh doanh không hiệu quả."
Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nói tổng số vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước lên tới 310.000 tỷ đồng (khoảng hơn 15 tỷ đô) trong giai đoạn 2006-2010 nhưng "không có chương trình giám sát" lượng vốn đầu tư này.
Lãnh đạo điều hành mà cứ theo kiểu duy ý chí như vậy, thì đó là điều tối kỵ cho nền kinh tế của đất nước vậy. 

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Làm sao bảo vệ Hiến pháp Việt Nam để chống vi Hiến?


Một học giả trong lĩnh vực luật học của Việt Nam vừa nêu quan điểm với truyền thông trong nước về việc 'phải có thiết chế bảo hiến' để tránh vi phạm hiến pháp.
Hôm thứ Sáu, 18/8, tờ Lao Động online đăng ý kiến của Phó Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói:"Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội. Một đạo luật do quốc hội ban hành có thể vi phạm hiến pháp, chính vì vậy phải có thiết chế bảo hiến."
Mở đầu cuộc phỏng vấn với tờ này, ông Nghĩa lưu ý về bản chất và chức năng của một bản hiến pháp. Ông nói:
"Trước hết, cần lưu ý hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân.
"Nhưng ở một số quốc gia, hiến pháp đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng hiến pháp như cương lĩnh của nhà nước, của những người lãnh đạo, còn những quốc gia dân chủ, hiến pháp viết ra để trói buộc nhà cầm quyền.
"Bởi lẽ, người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân, mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công. Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội."
Đưa ra khuyến nghị về giải quyết câu hỏi chế ước quyền lực của nhà nước ở Việt Nam một cách cụ thể, ông Nghĩa nói:
"Trong cấu trúc quyền lực VN, quyền lực thực tế dồn vào Chính phủ và UBND các địa phương. 
Hôm đầu tuần, tờ Lao Động online đăng tải ý kiến trong một bài viết của Ông Nguyễn Sỹ Dũng, một quan chức thuộc Văn phòng Quốc hội báo động về khuynh hướng lạm quyền nghiêm trọng về lạm dụng quyền lực của chính quyền và các cơ quan hành pháp.
Tờ báo này nêu nhận xét về xu hướng mà ông cho là "bất ổn" trong thực thi quyền lực công ở trong nước:
"Sau sự kiện nhà của công dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị đập phá, sự kiện các nhà báo bị đánh hội đồng ở Văn Giang cho chúng ta thấy đang có điều gì đó hoàn toàn bất ổn trong việc thực thi quyền lực công ở nước ta.
"Hiện tượng quyền lực công bị lạm dụng, bị biến thành bạo quyền đang xảy ra ngày một nhiều hơn. Trong lúc đó, phản ứng của công luận, của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng xấu xa này.
"Lạm quyền là con bệnh đặc trưng và phổ biến của quyền lực nhà nước. Vấn đề không phải là chỉ ở ta quyền lực mới như vậy, mà là chỉ ở ta quyền lực mới chưa bị kiểm soát đến như vậy.
Trong bài viết được đăng ngày 15/5 nhưng nay hơi khó tìm thấy trên mạng, Tiến sỹ Dũng nêu quan điểm của mình về thế nào là 'nhà nước pháp quyền,' ông viết:
"Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật (muốn quản lý như thế nào thì cứ đặt ra pháp luật như thế ấy).
"Một nhà nước như vậy sẽ gần với nhà nước chuyên quyền hơn là nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực nhà nước đều bị pháp luật chế ước chặt chẽ, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
"Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Ông Dũng khẳng định các hành động mang tính bạo lực trong các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang trong thời gian qua là "lạm quyền," là vi phạm pháp luật và yêu cầu "loại trừ" các hành vi này khỏi đời sống xã hội.
Theo ông, pháp luật không cho phép đập phá nhà của công dân. Pháp luật không cho phép đánh hội đồng các nhà báo (và bất cứ công dân nào khác).
Ông cũng viết rằng, "Những hành vi lạm quyền nói trên là vi phạm nghiêm trọng pháp quyền. Chúng phải bị loại trừ khỏi đời sống của chúng ta."




Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Việt Nam cần quy chế trung lập để bảo toàn lãnh thổ"

Nhà báo Thanh Phương của RFI có bài phỏng vấn giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Paris về việc gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động nhằm khẳng định hơn nữa chủ quyền của họ trên hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.



-Xin kính chào Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trước hết Giáo sư có nhận định như thế nào về những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Những hành động mới đây của Trung Quốc, như kế hoạch đưa du khách đến Hoàng Sa, là nhằm đặt chúng ta trước việc đã rồi. Đó là thủ thuật của những kẻ, khi mà thế giới chưa chú ý đến địa điểm ấy, cứ làm theo ý họ, để sau này mọi người phải chấp nhận những chuyện đã xảy ra. Họ đang tạo nên ấn tượng đất này là đất của họ, mà họ đã nắm chắc rồi, thành ra du khách có thể thăm dễ dàng. Vì vậy ta phải phá cái ấn tượng đó đi. Ít nhất là ta phải tỏ cho thấy rằng đây vẫn là đất của Việt Nam còn đang ở trong vòng tranh chấp.
Còn về chuyện Trung Cộng đưa tàu chiến đến vùng Trường Sa có thể là để chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng và tất nhiên là họ trù liệu sẽ có xung đột giữa hải quân của họ với hải quân Việt Nam. Đấy cũng có thể là một hành động khiêu khích. Nhưng mà, như ta đã thấy đó, Trung Quốc nếu chỉ đối phó với Việt Nam thì có thể lấn át mình, nhưng họ sợ rút dây động rừng, nhỡ các bạn đồng minh thế giới can thiệp ngăn chận thì sẽ bùng nổ lớn. Thành ra tôi nghĩ đây chỉ là thủ đoạn biểu dương lực lượng, hù doạ.
Một lý do nữa, mà theo tôi có vẻ đúng hơn, đó là họ đang chuẩn bị hồ sơ, thiết lập những chứng cứ xác định chủ quyền của Trung Quốc trên những đảo đang tranh chấp đó. Rất có thể họ tin rằng rồi đây sẽ phải có những cuộc thương thuyết đa phương và trong cuộc thương thuyết đa phương ấy, họ phải đưa ra những chứng cứ vững chắc. Nếu có đưa vấn đề ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, thì ít ra họ có những chứng cớ : đây, ngày đó, tháng đó, chúng tôi đưa tàu chiến đến đó mà không có phản ứng gì của phía Việt Nam cả, như thế thì Việt Nam đã xác nhận quần đảo này là thuộc về Trung Quốc.
Dù là lý do gì đi nữa thì chúng ta cần phải có phản ứng và nếu cần, phải chứng tỏ rằng mình cũng có hải quân và dám đối đầu, ít nhất phải chứng tỏ sự không sợ hãi của mình, để đề phòng sau này vấn đề được đưa ra bàn cãi ở các hội nghị quốc tế hoặc trước một cơ quan tài phán quốc tế.
- Thưa Giáo sư, gần đây hải quân Việt Nam đã thao diễn chung với hải quân Mỹ. Phải chăng là Hà Nội muốn dựa hơn nữa vào Mỹ để đối đầu với Trung Quốc?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Việc thao diễn ở Đà Nẵng với sự tham dự của ba tàu chiến của Mỹ quả thật là một dấu hiệu rất tích cực, để cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội muốn hợp tác với Mỹ, coi Mỹ là một đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc. Đây là điều tôi rất hoan nghênh. Bởi vì mình yếu, nhưng mình đâu có cô đơn. Nếu mình có đồng mình thì đây là lúc phải hợp tác chặt chẽ với đồng minh, trong khi lực lượng hải quân của mình chưa đủ sức đối phó với hải quân Trung Cộng.
Tuy đối với ta là mạnh thật đấy, nhưng hải quân Trung Quốc đối đầu với hải quân Mỹ thì không khác gì trứng chọi với đá. Vì vậy tôi tin chắc là những kẻ cầm đầu hải quân Trung Quốc chưa dám để xảy ra xung đột với một siêu cường rất mạnh về hải quân như Hoa Kỳ.
Cuộc thao diễn chung ở Đà Nẵng không chỉ chứng tỏ Hà Nội có thiện chí hợp tác với Hoa Kỳ, mà nó cũng chứng tỏ là Hoa Kỳ sẵn sàng cộng tác với Việt Nam trong trường hợp phải đối đầu với hải quân Trung Quốc. Như thế nó xác nhận sự trở lại của Mỹ ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta cần cảnh giác, bởi vì ta không nên quên rằng, nếu ta làm Trung Quốc mất thể diện, thì họ sẽ tìm cách trả đũa. Trong lúc này, Hoa Kỳ và Trung Quốc không nước nào muốn có xung đột. Nhưng nếu có hành động gây hấn của Trung Quốc trên lục địa, thì lúc đó chỉ có một mình ta đối phó với Trung Quốc. Vẫn biết là trong trường hợp đó chúng ta chẳng sợ gì họ, nhưng cũng không quên rằng tình hình bây giờ không giống như vào năm 1979, khi chúng ta phải đối đầu với họ. Lúc đó quân đội họ chưa mạnh như bây giờ. Nhưng cũng không phải vì thế mà phải khoanh tay chấp nhận cái sự đàn áp của Trung Quốc. Nếu cần thì ta vẫn phải chống lại.

- Thưa Giáo sư, dù có muốn dựa hơn nữa vào Mỹ, thì về mặt lịch sử và chính trị thì Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là do quan hệ đặc biệt giữa hai đảng Cộng sản. Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo với Đại hội Đảng cuối năm nay. Đây có phải là thời cơ để Việt Nam thoát được phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Nhận định của ông là rất đúng. Đây là thời cơ rất thuận lợi để chúng ta thoát khỏi sự áp chế về mặt ý thức hệ và về mặt tổ chức đảng phái từ năm 1990, khi ở Thành Đô Đảng CS Việt Nam chấp nhận theo đúng đường lối của đàn anh Trung Quốc.
Phải lợi dụng lúc Trung Quốc đang bối rối, với nhiều chuyện cho thấy là trong lòng chế độ Trung Hoa đang lủng củng, rối ren, như vụ luật sư mù Trần Quang Thanh, hay vụ Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những vụ đó chứng tỏ là giữa cấp trung ương với cấp tỉnh có nhiều mâu thuẫn, có những phe phái đang xung đột nhau, tranh giành nhau quyền lợi.
Những rối ren đó khiến Đảng CS Trung Quốc trong lúc này chưa dám, hay chưa rảnh tay đối phó với Việt Nam. Ngay cả Bắc Triều Tiên Trung Quốc vẫn chưa nắm được. Họ đang lúng túng thì chúng ta phải lợi dụng thời cơ để lấy lại quyền độc lập, để gạt bỏ hai sự ràng buộc về ý thức hệ và cũng như ràng buộc về Hiến pháp. Thời cơ này không kéo dài đâu.
Nếu ta tưởng rằng có thể chờ đợi tình hình Trung Quốc rối ren hơn nữa, thì điều đó nguy hiểm lắm. Một khi họ đã thỏa hiệp được với nhau trong Đại hội Đảng đó, đã ổn định được tình hình, thì bấy giờ họ sẽ rảnh tay để đối phó với ta. Đảng CS Việt Nam lúc đó có muốn thoát khỏi sự kềm tỏa thì e rằng sẽ rất khó. Thời gian còn lại của chúng ta không nhiều đâu

- Giáo sư vẫn chủ trương một nước Việt Nam trung lập để không phụ thuộc một ngoại bang nào, nhưng trong bối cảnh Đảng CS Việt Nam vẫn nắm độc quyền thì làm sao có thể đi đến quy chế trung lập đó?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Người ra thường hai lẫn lộn chính sách trung lập với quy chế trung lập. Chính sách trung lập là chính sách có tính chất giai đoạn, mà bất cứ chính quyền nào cũng có thể áp dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà cầm quyền Hà Nội từ nhiều năm nay áp dụng chính sách mà người ta gọi là đi dây giữa hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cái chính sách này là chính sách giai đoạn, nước nào cũng thi hành được. Nhưng không nên lẫn lộn nó với cái mà tôi đề nghị, tức là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Nó có tính chất lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn.
Tôi vẫn luôn nêu lên tiền lệ Áo quốc. Áo quốc trước đây bị nhập vào Đức quốc xã. Nhưng sau chiến tranh, Áo quốc đã lấy lại cá tính quốc gia của mình. Nhưng lúc đó bốn cường quốc là Mỹ Anh Pháp và Liên Xô có thể chia nước Áo thành 4 phần, nhưng như thế thì mất sự thống nhất, mà lại không có độc lập.
Vì vậy, các cường quốc lúc đó phải thỏa hiệp với nhau, không còn coi đó là nơi giao tranh đẫm máu giữa đồng minh Tây phương với Liên Xô và cũng chính vì thế đã để cho nước Áo trung lập. Nhưng cũng còn có sự hiện diện của lực lượng quân sự của hai bên. Trung lập trong vòng 10 năm đã đưa đến việc trả lại toàn vẹn chủ quyền cho nước Áo. Đó là phương tiện dẫn đến sự độc lập hoàn toàn.
Nước Việt Nam muốn thoát khỏi sự đô hộ gián tiếp của Trung Quốc thì phải trung lập. Trung lập là con đường đi tới độc lập. Nhưng tôi xin nhắc lại : đây là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Muốn có quy chế trung lập ấy thì phải có một hội nghị quốc tế. Khi ta chấp nhận quy chế trung lập, thì chính nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết không để Việt Nam được dùng làm cứ điểm cho một phe nào để đánh phe kia, chẳng hạn như để Hoa Kỳ làm cứ điểm để đánh Trung Quốc, mà cũng không để cho Trung Quốc dùng Việt Nam như một tiền đồn để ngăn chận Tây Phương.
Được hưởng quy chế trung lập như thế có nghĩa là ngoại quốc phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của mình, không chỉ trên đất liền, mà cả trên hải phận, trên các quần đảo. Cái sự bảo đảm này coi như là phần đền bù cho việc chúng ta cam kết không đứng về phe nào.
Nhiều người hoài nghi cái sự bảo đảm quốc tế ấy thì cũng đúng thôi, bởi vì một nước nào cứ hung hăn, nhất định đi xâm lấn nước khác thì nó chẳng nề hà gì. Nhưng mà ít nhất trước khi dùng đến binh, thì ta phải dùng đến lễ. Đằng nào chúng ta cũng phải dùng phương pháp ngoại giao. Mà cho dù có đánh nhau đi nữa, thì cũng phải kết thúc bằng thương lượng, tức là bằng ngoại giao.
Như vậy, ngay từ đầu chúng ta phải cố vận động trên trường ngoại giao. Hiện thời Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế lắm. Tại sao lại không lợi dụng những diễn đàn quốc tế đó để vận động quốc tế công nhận chúng ta là một nước trung lập vĩnh viễn?
Cam Bốt ngay từ năm 1992, tuy vẫn thuộc ảnh hưởng Việt Nam, nhưng đã ghi trong Hiến pháp một điều khoản khẳng định Cam Bốt là một nước trung lập. Cam Bốt đã dám làm, thế thì tại sao chúng ta lại cứ sợ đàn anh Trung Quốc? Đằng sau có ẩn tình gì hay không? Tôi xin chính thức nêu vấn đề đó để sau này các nhà viết sử xét thấy đó có phải là một tội nặng với dân tộc hay không?
Quốc gia Việt Nam đâu có phải chỉ là quyền sở hữu của một đảng? Nên nhớ rằng chính cái đảng đó đã coi mình như là đại diện cho nhân dân mà thôi. Tai sao cứ luôn lẫn lộn Đảng là Nhà nước, Đảng là nhân dân? Cứ nhập nhoạng dựa vào Hiến pháp để nắm độc quyền lãnh đạo, rồi hiểu cái độc quyền lãnh đạo đó một cách trái với tinh thần dân chủ. Người ta có thể lãnh đạo về đường lối, về chính sách, nhưng quyền cai trị thật sự phải là của dân. Trong cuộc tuyển cử nào, nếu thật sự Đảng CS Việt Nam được lòng dân, thì vẫn nắm được đa số.
Nhưng không phải nắm được đa số là nắm độc quyền lãnh đạo. Tinh thần dân chủ có nghĩa là các tổ chức, các hội đoàn, các tôn giáo, nói chung là các tổ chức của nhân dân, đều ngang hàng nhau. Nếu không chỉ là vỏ dân chủ thôi. Nếu chúng ta có can đảm đi đến độc lập thật sự, trung lập thật sự, thì cũng phải có can đảm gạt bỏ những ảo tưởng được xây dựng nên bởi danh từ đã bị lạm dụng đó.
- Xin cám ơn Giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Quyền sở hữu đất đai không phù hợp,đói nghèo gia tăng


Ủy ban An ninh thực phẩm thế giới thuộc tổ chức FAO (tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc) vừa ra một văn bản nêu quan điểm của tổ chức này về việc mua bán đất, nhằm bảo vệ an ninh lương thực tại các nước nghèo.
Theo đó, quyền sở hữu đất đai không phù hợp và không được bảo vệ khiến đói nghèo gia tăng và khiến các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, có thể dẫn đến các xung đột xã hội và làm suy thoái môi trường. Văn bản này nhấn mạnh đến quyền của các cư dân bản địa đối với đất đai, sự bình đẳng giới trong việc sở hữu đất.
FAO cũng khuyến nghị các nhà đầu tư tư nhân tôn trọng nhân quyền và quyền sở hữu của người dân. Theo tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva, việc thừa nhận "quyền sở hữu theo phong tục tập quán" là hết sức quan trọng đối với hàng triệu nhà nông, người làm nghề rừng, cũng như những người khai thác hải sản trên quy mô nhỏ. Văn bản này chỉ đưa ra các nguyên tắc nhằm khuyến cáo các quốc gia cải thiện chế độ sở hữu đất và cung cấp cho Chính phủ các nước những chỉ dẫn giúp cho việc quản trị tốt hơn quyền sở hữu đất theo nghĩa rộng, bao gồm đất đai, rừng và nơi đánh bắt hải sản.

Theo FAO, để chống lại nghèo đói, cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật thích ứng, dành cho các cộng đồng địa phương quyền được thông tin, được đưa ra ý kiến, trong những trường hợp đất đai trồng trọt được bán đi, hay cho thuê trên quy mô lớn. Chỉ có như vậy thì lợi ích của các cư dân mới được bảo đảm.
FAO cũng nêu rằng hướng dẫn muốn "giải quyết chuyện bành trướng đô thị vào vùng nông thôn".
Tại châu Á, vấn đề thu đất của nông dân cho mục tiêu đô thị hóa và xây cất các công trình công từ nhiều năm qua đã gây căng thẳng ở Trung Quốc và Việt Nam.
Hồi tháng 9/2011, bạo loạn đã bùng nổ ở Lục Phong thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc khi người dân phản đối chính quyền bán đất.
Sang đến cuối năm 2011, vụ hàng nghìn người dân làng Ô Khảm, cũng trong tỉnh Quảng Đông biểu tình nhiều ngày vì tranh chấp đất đai và phản đối cách hành xử của quan chức địa phương đã làm chấn động Trung Quốc.
Sang đầu năm 2012, tại Việt Nam có vụ nông dân Đoàn Văn Vươn chống cự lại đội cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thu hút dư luận cả nước.
Gần đây nhất có vụ việc tại Văn Giang, Hưng Yên, liên quan đến cách thức "thu hồi đất" bằng hàng nghìn công an chống lại dân làng không chấp nhận chế độ bồi thường về đất.
Tại Việt Nam, nước đang có nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai mấy năm qua, trang web của Tổ chức BấmFAO cũng nhấn mạnh nhiều đến các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Trang web ở địa chỉ fao.org.vn cũng đăng nguyên văn bản tiếng Anh của Hướng dẫn và giới thiệu trong phần tin tức các hoạt động của FAO với chính quyền Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứ không đề cập đến các vụ gây xôn xao dư luận gần đây về "cưỡng chế đất".
st

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Nguồn gốc Thiện Ác & Quỉ Thần trong dân gian


Trong cuộc sống, con người ta thường ta thán:
Những quy luật tàn bạo của tạo hóa thường được thể hiện trong quá trình đấu tranh giữa điều Thiện và điều Ác. Hai mặt này luôn đối lập nhau, nhưng do chúng có nguồn gốc xuất xứ từ nguyên lý lý của tự nhiên, cho nên con người không ai có thể diệt trừ đi cho hết được. Do đó, hàng ngàychúng tương tác lẫn nhau, âm thầm gây biết bao biến động trong môi trường cuộc sống, chẳng lúc nào dừng.
 Trong thực tế, những lời ta thán này nếu nhìn từ góc độ của nhân gian, thì đó là hoàn toàn đúng.Vì người trong nhân gian theo như lời trong Kinh dịch có nói:” Càn Khôn định vị, nhân vật triệu sinh. Cảm Âm Dương nhi hóa dục, phân trí, ngu, vu thanh, trọc…” Cho nên đó cũng là điều rất tự nhiên, trong đời sống của vạn vật.
 Nhưng nếu nhìn từ gốc độ của nền triết học cổ này của Á đông, thì giữa  thiện và ác hay quỉ, thần gì cũng đều qui về hai thế lực khí của Âm Dương. Hay nói theo cách khác: Quỉ thần hay thiện ác gì cũng đều chịu dưới quyền thống lĩnh của hai khí Âm Dương trong Vũ trụ và nó cũng được vận hành, biến hóa bằng các quy luật của tự nhiên, cũng trong Vũ trụ.
 Vì thế đối với tầm nhìn này của Dịch học,mọi người ai cũng đều biết: Âm Dương là một hàm số từ ngữ của nền triết học Á  đông, trong đó bao gồm tất cả mọi hiện tượng trong đời sống của thiên nhiên, đời sống của vạn vật và đời sống của con người. Cho nên, đối với mọi người trong xã hội, những từ ngữ này được biết đến một cách rất thân quen, trong đó có: Thiện, Ác, Chánh, Tà, Phải, Trái, Quỉ, thần, Tốt, Xấu,  Đúng, Sai…và còn nhiều vô số kể khi nó xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
 Duy có điều, khi hai thế lực khí này được vận hành bằng quy luật thì cặp mâu thuẫn, đối lập này cũng luôn được sánh bước bên nhau. Và mọi sự Thiện Ác, Chánh Tà…cũng sẽ tạo ra thành những tác động trực tiếp vào cuộc sống, làm cho mọi người đều phải rối bời lên chỉ vì phải trái, đúng sai hay chánh tà và thiện ác…Từ đó mới tạo nên những điều thị phi, điên đảo không lúc nào dừng trong cuộc sống và đặc biệt, những điều này nó thường liên tục diễn ra ngoài sự mong đợi của con người, thì mọi người trong thế gian làm sao không ta thán được? 
 Thế nhưng đối với người thông hiểu lý lẽ này thì lại khác, không thể bị rối bời cũng như không thể sống chung và đồng lõa với những điều ác, điều sai, trái làm tổn hại đến cuộc sống chung của mọi người?
 Vì những người này hơn ai hết, họ có điều kiện để hiểu biết và nhìn thấy rõ  bản chất của từng cặp chủ thể này đều nằm dưới sự chi phối hoàn toàn bởi hai thế lực khí của Âm Dương. Vì vậy, nếu tách riêng biệt cặp mâu thuẫn này ra, thì nhất định nó không thuộc quyền thống lĩnh của Âm, thì cũng là của Dương, không Dương thì chắc cũng là Âm và  không có ngoại lệ…
Cho nên, nếu con người biết truy nguyên các cặp chủ thể này trở về lại cội nguồn của nó, thì tự nhiên mọi người sẽ biết rõ nó là ai: là đúng hay sai, là thiện hay ác, là chánh hay tà… Vì sao nó đến, đến để ban ơn hay giáng họa, và điều còn lại là con người phải hành xử nó như thế nào để cuộc sống được an lành,tránh xa được những điều hung dữ, giúp cho đời sống được ngày càng tốt đẹp hơn.
   Trong bài viết này, ta chỉ nêu lên đặc điểm và tính chất theo chủ đề, ngoài ra không bàn rộng đến phạm vi bao trùm do hai thế lực khí này thống lĩnh. Cụ thể như:
Hàm số từ ngữ của cặp Âm Dương này là: Chân, Giả; Chánh,Tà; Thiện,Ác; Quỉ, Thần; Đúng, Sai; Sáng, Tối; Trí, Ngu; Sang ,Hèn, sống, chết…thì vế đầu là do Dương khí quản, còn vế sau là thuộc Âm khí quản.
Hay nói theo cách khác: Những từ ngữ nào chỉ sự tốt đẹp và thánh thiện như: Trời, Phật, Thánh, Thần, Chân, Thiện, mỹ… là phần của Dương khí quản. Còn những từ chỉ sự đen tối, xấu xa, chết chóc như: Tà, Ma, Quỉ, Quái, Ác. Độc, ngu, Si sai, trái là do Âm khí quản.
 Khi từng cặp chủ thể này biến hóa ra thành sự vật và tác động vào đời sống của mỗi con người như thế nào, đều phụ thuộc vào qui luật vận hành, biến hóa của hai  khí Âm Dương. Nhưng khi các qui luật của Âm Dương vận hành cho các cặp chủ thể này biến hóa ra thành sự việc và trực tiếp tác động vào đời sống của sự vật, thì nhất thiết nó phải dựa vào nguyên lý của Dịch là: Hễ khí nào, thì lý ấy và lý nào, thì khí ấy. Vì trong mọi hiện tượng của tự nhiên, có khí ấy thì nó mới được biến hóa ra thành lý ấy và khi đã có lý lẽ ấy, thì sự việc chánh tà phải trái, cũng nằm ở bên trong.
Cho nên, khi đã có lý lẽ của sự vật ấy, thì nhất định nó phải được bẩm thụ từ khí ấy, rồi nó mới được sanh hóa ra.
  Cụ thể như: Một người có suy nghĩ và hành động theo chiều  hướng thiện, thì đó là phần của thể khí Dương cương đã được phát động; có phát động thì nó sẽ biến hóa ra thành lý lẽ của sự việc cũng theo chiều hướng thiện và sẽ tác động trả kết quả này về lại cho con người. Và tất nhiên thiện khí của thể Dương minh, thì bao giờ lý của nó sớm hay muộn gì cũng được biến hóa ra thành kết quả tốt đẹp để ban tặng lại cho con người. Trái lại, con người có suy nghĩ cùng hành động sai trái, bất thiện hoặc đồng lỏa với việc sai trái, bất thiện thì khí của thể Âm tà cũng sẽ phát động. Sau đó, tùy theo mức độ mà nó sẽ biến hóa ra thành lý lẽ của sự việc cũng sai trái, bất thiện này để trực tiếp trả kết quả về lại cho con người…Và cũng tất nhiên, đó là kết quả của sự trừng phạt không mong đợi mà con người phải đón nhận.
 Cho nên trong lời Kinh có đoạn viết:
“Nếu trong nhà có một người làm điều phước thiện, thì cả nhà sẽ thọ hưởng lại điều phước thiện. Còn trong nhà có một người làm điều xấu, điều ác, thì cả nhà cũng sẽ đón nhận lấy họa hại, tai ương.
Cho nên đối với những việc làm bất thiện, dù cho con người có trốn tránh được sự trừng phạt của người trong thế gian, thì cũng không tránh khỏi được sự trừng phạt của lưới Trời...Nếu nhanh, thì con người sẽ nhận lãnh ngay trước mắt, còn  chậm thì vài tháng, vài năm... Còn chậm hơn nữa thì cũng chỉ một vài đời sau,là con cháu cũng đều phải đón nhận”.
 Ngoài ra, trong nguyên lý vận động này của Âm Dương còn có tên gọi khác. Tên gọi đó là: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” Có nghĩa là người có chung một hoàn cảnh, cùng chung một chí hướng hay cùng chung một phe đảng với nhau…,thì khi người này có việc cần và lên tiếng, thì lập tức sẽ có người kia đến để giúp đỡ nhau liền…
 Cho nên, một khi con người đã tạo nên mối quan hệ mật thiết với một thế lực nào, thì con người lập tức sẽ được ban trả cho bằng kết quả, tùy theo đặc điểm và tính chất của người trong thế lực này. Và tất nhiên, khi con người đã xây dựng nên mối quan hệ cùng thế lực khí của thể Âm tà, thì lập tức nó sẽ đến để ban trợ, nhưng kết quả của nó đem lại không hề tốt đẹp gì, cho sự sống.
 Cho nên hai thế lực khí này, con người phải thấy và phân biệt cho được rõ ràng đâu là bản chất của chúng,thông qua những điều phải trái, những việc đúng sai. Ngoài ra cũng không nên biện minh hay đồng lỏa với thế lực của những điều sai trái, vì đó là đầu mối gây ra những xáo trộn, tang thương dành cho cuộc sống.
 Trừ khi con người bị rơi vào hoàn cảnh khách quan, hay bị ở trong hoàn cảnh không thể làm gì khác được? Nhưng tất cả  cũng đều phải có thái độ dứt khoát, rõ ràng thì cuối cũng mới có thể tránh được những tai nạn lớn và chỉ đón nhận những điều lo âu phiền muộn chung, trong cuộc sống…. 
 Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh này, đối với những điều sai trái, cho dù con người có quyết tâm và nỗ lực đến đâu cũng không thể tiêu diệt hết  tận gốc rễ, đối với thế lực khí này. Vì đó là một, trong hai chủ thể cơ bản dành cho sự sống của mỗi con người. Nếu tiêu diệt hết, thì sự sống cũng không còn chỗ để dung thân.
 Duy chỉ có điều, phải hành xử sao cho minh bạch và cương quyết đối với thế lực khí này, dựa theo lẽ Tôn Ty,Thượng Hạ nằm trong nguyên lý của Dịch, thì mới khống chế và kềm hãm, không cho nó có điều kiện thuận lợi để được tiến lên. Làm như vậy, thì thế lực khí này không những sẽ không tác động gây ra tai họa đem đến cho con người,mà trái lại nó còn trở lại phò trợ, giúp đở cho con người thật nhiều trong cuộc sống.
Cho nên, trong các qui luật vận hành biến hóa của khí Âm Dương, tuy có ngỗn ngan trăm mối, nhưng bên trong nó luôn vận hành theo một nguyên lý nhất định và rất có tôn ty, thứ tự… trên dưới  lẫn trước sau. Trong đó, Dương khí thánh thiện luôn đi đầu, đi trước, còn khí Âm tà thì lúc nào cũng tiến bước theo sau. Cũng như Dương thì phải Tôn lên, Âm thì phải kềm hãm xuống…không thể nào đão ngược được. Nếu đão ngược, Âm tà luôn được tôn vinh và đi trước, thì đó là hiện tượng Thiên Địa bất giao, vạn vật sẽ bị điêu tàn và con người phải bị lầm than, khốn khổ…
 Vì thế, nếu có ai đó nói rằng: sẽ tiêu diệt hết được thế lực khí của bọn Âm tà sai trái, thì đó là người không hề biết gì về quy luật của tự nhiên, nên mới suy nghĩ và làm theo những hành động nông cạn này như vậy.
Tỷ như, theo nguyên lý Dịch, thân xác con người là chủ thể do khí Âm tà cai quản, còn tinh thần, trí tuệ là do khí của thể Dương minh cai quản. Nếu như thân xác đã bị tiêu diệt rồi, thì tinh thần và trí tuệ của con ngừơi còn có chỗ để tồn tại nữa hay không?
 Biết rằng thân xác là thuộc thể Âm vốn có nhiều dục vọng,  nên nó luôn đòi hỏi con người phải thỏa mãn cho được, những nhu cầu về vật chất để phục vụ và duy trì cho đời sống của nó và cũng chính là đời sống của con người. Vì vậy, những đòi hỏi này của nó là cần thiết và vô cùng chánh đáng. Nhưng với bản chất là thể Âm tà, nên nó thường đòi thái quá so với những nhu cầu và nếu được thỏa mãn, thì bao nhiêu nó cũng không thỏa mãn?.
 Chính vì vậy, nên nó rất cần đến trí tuệ của thể Dương minh trong mỗi con người để soi đường, chỉ lối cũng như nó rất cần được sự khống chế, kềm hãm lại trước những đòi hỏi thái quá trong đời thường. Có như vậy, thì nó mới biết được mình là ai, nhu cầu tham muốn này có cần thiết, có chánh đáng không và sẽ một lòng tùng thuận theo trí tuệ của thể Dương minh, trong mỗi con người.
    Cho nên mới gọi: Vạn sự trên đời này đều do tâm tạo, tuyệt nhiên không có một thế lực thần thánh hay ma quỉ phương nào đến để ban ơn, hay giáng họa xuống cho mỗi con người. Có ban ơn, hay giáng họa gì đi chăng, thì cũng đều do con người đã thực hiện những hành vi, trực tiếp tác động đến một trong 2 thế lực khí này, từ đó mới có sự đón nhận đây là họa hay là phước vậy.
 Từ đó,nếu con người có mối liên hệ mật thiết cùng với thể dương minh, thì suy nghĩ và hành động của họ luôn được sáng suốt, biết làm chủ được bản thân và luôn biết hành động đúng, dựa vào đạo lý… Ngoài ra họ còn biết ngăn chận, kềm hãm được mọi điều tham muốn xấu, những dục vọng không minh bạch và không có bến bờ,  thì đây mới là người không có mối liên hệ nào, cùng với thể khí của Âm tà.
 Và một Khi con người đã xây dựng nên mối quan hệ này, thì cũng có nghĩa là họ đã tác động trực tiếp đến thế lực của khí dương minh và sau khi tiếp nhận trong một thời gian nào đó, thì nhất định thế lực này sẽ phản hồi tác động lại cho bằng kết quả.Và tất nhiên, đó là những kết quả tốt đẹp, tùy theo mức độ, nhiều hay ít do thế lực này tiếp nhận nơi mỗi con người.
 Còn trái lại, người có mối liên hệ mật thiết cùng với thể Âm tà, thì cũng vậy. Nhưng con người phải nhận lấy những kết quả đau thương, tàn phá hay hủy diệt đi cuộc sống, tùy theo thế lực này tiếp nhận lực tác động của con người đó như thế nào: nặng hay nhẹ, nhiều hay ít?…
 Cho nên, trong tầm nhìn của Dịch học không phải vô duyên, vô cớ mà các vị chơn tu sau khi đã đắt đạo, theo lẽ họ phải thọ hưởng cuộc sống an nhàn tự tại, vui cùng cảnh vật với thiên nhiên. Nhưng cũng có vị chỉ vì thương sót chúng sanh bị mờ mịt bởi hai thế lực khí này nên họ mới tiếp tục xuất hiện ở thế gian, đứng ra lập nhiều tôn giáo, có nguồn gốc nhân bản và xây dựng nên nhiều chủ thuyết. Nhằm để vừa dạy dỗ, vừa cảnh báo cho con người bằng những hình tượng thần thánh siêu nhiên, giúp cho con người luôn xây dựng cho mình mối liên hệ mật thiết cùng với thế lực của khí Dương minh, trong bất cứ hoàn cảnh nào để cuộc sống luôn đón nhận mọi sự tốt lành, từ kết quả của thế lực khí này phản hồi lại.
 Còn đối với những điều sai trái và đầy tội ác của khí Âm tà thì ngược lại, phải trốn lánh cho thật xa, tuyệt đối không thể thiết lập các mối liên hệ nào cho dù vô tình hay cố ý. Còn khi đã sống chung hay đồng lỏa với tội ác, với những điều sai trái của thế lực này, thì cũng có nghĩa: con người cũng đã vô tình thiết lập nên mối quan hệ và cũng phải đón nhận những điều không mong đợi, nhưng cũng còn tùy theo mức độ…
Vì bản chất của khí Âm tà khi được con người tôn thờ, sùng bái, thì cũng có nghĩa là con người đã thiết lập nên mối quan hệ mật thiết cùng với những điều sai trái, bất thiện này. Và tất nhiên, sau đó họ sẽ được nó ban tặng lại cho kết quả cũng bằng những sản phẩm sai trái, bất thiện dành cho cuộc sống.
 Tóm lại, vạn sự trong thế gian này là chánh hay tà, thiện hay ác, là quỉ hay thần gì cũng đều do tâm của con người xây tạo.Nhưng vì tâm của con người cùng hoạt động nhịp nhàng và bị chi phối hoàn toàn bởi qui luật của tự nhiên. Cho nên, dù con người có được quyền duy nghĩ và hành độc lập, nhưng cũng vẫn bị nó bao trùm lên mọi hành vi của con người đối với những sự thiện ác, chánh tà…do hai thế lực khí này cai quản.
 Vì thế,mọi hành vi vận động của con người cần ra sức làm những điều phải, điều thiện, những điều đem đến lợi ích chung, thì nhất định sẽ được thể Dương minh trả lại bằng những kết quả tốt lành dành cho cuộc sống.
Đồng thời cũng phải tránh xa những điều ngược lại, vì đó là thế lực của thể Âm tà, chúng vốn không có một kết quả tốt đẹp nào dành cho cuộc sống, một khi con người đã tôn thờ và có mối quan hệ mật thiết cùng với chúng.
 Từ đó, nếu con người muốn có cuộc sống hạnh phúc, an lành thì phải biết kính và biết sợ hai thế lực khí này. Vì đây là qui luật của tự nhiên đã biến hóa ra thành qui luật của cuộc sống và chỉ có hai thế lực khí này mới có đầy đủ quyền năng ban ơn hay giáng họa xuống cho mỗi con người, khi họ đã chọn lựa và quyết định tôn thờ ai?   
 Cũng chính vì điểm này, nên những chủ thuyết của các tôn giáo nhân bản nào cũng đều răn dạy cho môn đồ của mình phải làm theo điều hướng thiện, những việc lành, tu nhơn, tích nhiều công đức để được về nơi đất Phật, về với nước Trời, hay  được thần thánh phù hộ độ trì, để có được cuộc sống giàu sang, hạnh phúc…
Nhưng thực ra, các vị này muốn dạy cho con người thiết lập nên mối quan hệ tốt đẹp, cùng với thế lực của khí Dương minh.Vì trong gầm trời này, chỉ có thế lực này mới đem lại mọi điều tốt đẹp nhất dành cho sự sống của thế gian.
 Còn ngoài ra,không có một thế lực của bất cứ vị thần thánh hay tiên phật ở bất cứ phương nào có đủ quyền năng để đi ban ơn hay giáng xuống cho mỗi một con người nào đó được.
 Trừ khi đó là những chủ thuyết, những giáo phái phi nhân  họ mới dạy cho tín đồ làm những việc đồng thanh, đồng khí cùng với thể Âm tà với lắm điều sai trái. Trong đó bao gồm cả những điều tội ác, xấu xa và kết quả các chủ thuyết này đón nhận như thế nào, thì mọi người ai cũng có thể biết được. Nhưng chắc là không thể tồn tại lâu dài. Vì vạn vật sống trong bầu khí uyển của tự nhiên, hễ thuận thiên thì giả tồn, còn nghịch thiên là giả vong, là mai một đi vậy…
                           ST.