Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

...Luật đất đai và những chuyện dài chưa hồi kết


Một trong những vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội đó chính là sửa đổi và ban hành luật đất đai mới.
TS Nguyễn Quốc Ngữ, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng T.Ư  Đảng phát biểu "Ngày nào chúng ta còn tính sống với bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu lá ngày ấy chúng ta chưa thoát khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu".
Để đối phó với chính sách hạn chế diện tích sử dụng đất nông nghiệp, người dân thường nhờ bà con trong gia đình đứng tên để tránh né thuế vượt hạn điền. Có trường hợp cá biệt, một người nông dân có 500ha ruộng mà trong đó 70-80% là phải nhờ người khác đúng tên. Người dân thì tìm cách "né" luật để mở rộng sản xuất, còn nhà nước thì không quản lý nổi.
Bên cạnh đó, vướng mắc về thời hạn sử dụng đất khiến cho người nông dân không mặn mà với việc mở rộng sản xuất. "Thời hạn 20 năm là ngắn. Sản xuất hàng hóa phải có đủ thời gian để tính toán việc sử dụng đất đấy vào việc gì,chu kỳ bao nhiêu. Bây giờ 20 năm thì đầu tư vào đấy, sang sửa cái này, cái kia đã mất hết nữa thời gian, thời gian còn lại làm được gì nữa?",Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Hơn thế nữa, đang có sự đối xử không công bằng  giữa  trong nước và  nước ngoài. Trong khi nông dân chỉ được sử dụng đất tối đa trong vòng 20 năm theo Luật Đất đai thì nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Đầu tư, lại được sử dụng đến tận 50 năm.
Xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất là cần thiết. Trong cương lĩnh của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh đặt trưng kinh tế của xã hội XHCN là "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại". Muốn thực hiện được như vậy thì phải tích tụ ruộng đất. Đồng quan điểm trên GS.Đặng Hùng Võ phát biểu trên báo Tuổi Trẻ "Đừng quá lo lắng về những thứ mang tính hình thức. Hãy nghĩ làm sao để tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp".
Luật đất đai năm 2003 quy định "đất đai là sở hữu toàn dân". Ngoài ý nghĩa nhân văn đúng với tinh thần bản chất tốt đẹp của Chủ nghĩa xã hội "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", luật đất đai còn một số điểm không rõ ràng, tạo kẽ hở cho một bộ phận cán bộ suy thoái hiểu sai và lợi dụng để tham nhũng. Về lý luận, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai bao gồm nhiều hình thức sở hữu. Những hình thức sở hữu đất đai này sẽ cụ thể hóa và làm đa dạng hóa chế độ sỡ hữu đất đai. Từ "toàn dân", "đất đai" là những từ chung chung, thuộc về chế độ sở hữu trong khi "cá nhân", "miếng đất" lại mang tính cụ thể, và thuộc hình thức sở hữu.  Do cách hiểu sở hữu toàn dân về đất đai cứng nhắc, tức một hình thức sở hữu duy nhất nên vô tình chung đã tước đoạt về mặt pháp lý sở hữu tư nhân về đất đai ở Việt Nam. Cái chúng ta cần làm là hiểu đúng và cụ thể hóa nó.Đa sở hữu đất đai?
Một số nhà kinh tế lập luận rằng Nhà nước nên quản lý thông qua công cụ kinh tế có thể sử dụng công cụ thuế quan để quản lý. Nếu một cá nhân vượt quá hạn điền thì phải đóng thuế, vượt càng nhiều thì thuế lũy tiến càng cao, vì thế sẽ không còn ai dám làm "đại chủ" nữa. Tuy vậy, vấn đề chính còn nằm ở khâu thực hiện.
Hiện nay một số địa phương thực hiện thu hồi đất bừa bãi trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. UBND cấp tỉnh làm trái Luật Đất đai 2003 khi định giá đất chỉ bằng 10% đến 70% giá đất thị trường. Nội dung, thời hạn, trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại của dân về đất đai chậm trể, không đúng với quy định pháp luật, khiến nông dân bỏ ruộng lên thành phố làm thuê với giá rẻ mạt. Đó là tình hình chung.
Đa dạng hóa hình thức sở hữu về đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể là thỏa đáng. Nước ta có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Vậy để tương thích với chính sách ấy, việc đất đai trở thành tài sản tư nhân là thích hợp với thực tiễn phát triển. Các chính sách, pháp luật này cần phải vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường vừa đảm bảo định hướng xã hội chung. Hơn nữa, khi một cá nhân khi bỏ tiền ra mua đất, thừa kế đất từ cha ông, góp vốn đầu tư..., họ không chỉ cần có quyền sử dụng đất như pháp luật hiện nay quy định mà họ còn phải được thừa nhận sở hữu mảnh đất đó.  Do vậy, sự "chính danh" cho hình thức đa sỡ hửu là cần thiết.
Ngoài ra, khi đất đai là hàng hóa xác định theo nguyên tắc thị trường thì chính quyền địa phương không được tùy tiện thu hồi đất cấp cho doanh nghiệp và tự ý ấn định mức giá. Giữa doanh nghiệp và người sở hữu mảnh đất sẽ tự thỏa thuận mua bán và định giá theo giá thị trường. Trong những trường hợp quan trọng như vì mục đích an ninh quốc phòng, xây dựng công trình công cộng..., nhà nước có quyền can thiệp và thu hồi đất.
Có như vậy, nông dân mới có thể an tâm đầu tư tích tụ ruộng đất tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Còn doanh nghiệp không phải "chạy" ông này, ông kia để xin mua đất. Từ đó, nền kinh tế thị trường mới trở nên minh bạch, công khai, không tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng kẽ hở pháp luật để tham nhũng, tư lợi riêng.
Nhiệm vụ sửa đổi luật lần này còn phải nhấn mạnh đến khâu quản lý, giám sát và đánh giá đất đai của Nhà nước, đặc biệt nên chú trọng đến sự tham gia giám sát của cộng đồng. Có xây dựng hệ thống quản lý đất đai, hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch hơn thì mới mong quét sạch tham nhũng trong lãnh vực vẫn còn nhạy cảm này.
(Trích bài của Thuận Từ - Xuân Mai Trần Tuần VN)

Không có nhận xét nào: