Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Nhà nước cần thay đổi tư duy về đất đai

Bạn Ngô Ngọc Quang từ Vũng Tàu luận về quyền tư hữu đất đai rất hay và hy vọng nhà nước sẽ tiếp thu, sửa chữa.
 Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, đất đai được sở hữu một cách tự nhiên mang tính bản năng, và bởi những con người cụ thể.
Quyền sở hữu một vùng đất được hình thành và ghi nhận thông qua quá trình sống và lao động của con người. Khi con người ta sống ở một vùng đất nào đó, đổ mồ hôi, tranh giành với thú hoang và cỏ dại quyền sở hữu vùng đất đó. Thế rồi, vùng đất có được nhờ mồ hôi và công sức đó được truyền lại, đời này qua đời khác. Dựa trên vùng đất tổ tiên để lại con người ta trồng trọt chăn nuôi, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Từ đó hình thành quyền sở hữu đất đai của con người.
Gốc rễ của quyền sở hữu này không tự nhiên mà có, không phải do ai ban phát mà tự nó được khẳng định bằng mồ hôi công sức của người dân, một điều hiển nhiên của công lý, ai cũng phải thừa nhận....
...Tâm lý “kẻ cướp”
Để quy tụ sức mạnh của nhân dân, trong đó lực lượng nông dân đông đảo là chính, vào việc chống lại thực dân Pháp để giành độc lập, người Cộng sản đã khôn khéo tuyên truyền để người dân tin rằng: Đánh đuổi thực dân đế quốc, thì người dân sẽ được rất nhiều thứ tốt đẹp trong đó có vấn đề được làm chủ đồng ruộng của mình.
Sau này, những người Cộng sản đã đánh tráo khái niệm sở hữu, và làm cho người dân tin rằng mình đã được làm chủ ruộng đồng thông qua hợp tác xã. Thật ra là nhà nước đã thâu tóm toàn bộ đất đai vào tay mình, người dân thực chất vẫn là kẻ làm thuê chứ không phải là chủ thực sự của đất đai mà cha ông họ truyền lại.
Với quyền lực trong tay, nhà nước đã làm ra các đạo luật về đất đai. Theo đó người dân được nhà nước ban ơn, cho người dân mượn tạm thời đất đai để sử dụng. Khi cần nhà nước lấy lại bất kỳ lúc nào bằng những quyết định thu hồi, mà người dân phải có nghĩa vụ chấp hành.
Cách hành xử như vậy về bản chất, giống hệt vua chúa phong kiến thời xưa. Chúng ta những người Cộng sản, thường tự hào nói rằng: Chúng ta đánh đổ thực dân phong kiến để xây dựng nhà nước công nông của dân, do dân, và vì dân. Vậy mà chúng ta lại hành xử về đất đai y như vua chúa phong kiến thời xưa.
Quyền sở hữu đất đai rõ ràng là phải thuộc về những con người cụ thể - những con người bỏ công sức khai khẩn tranh chấp với thú hoang và cỏ dại.
Ấy vậy mà nhà nước lại sử sự theo lối vua chúa ngày xưa, nắm quyền lực trong tay và phán rằng đất đai là cuả nhà nước, núp dưới mỹ từ mang màu sắc lừa bịp: sở hữu toàn dân. chính vì thủ đoạn như vậy nên mới sinh ra khái niệm thu hồi – một khái niệm hết sức sai trái.
Trong thực tế cuộc sống nhà nước tưởng rằng mình có công trong việc tạo nên tài nguyên đất đai, kể cả trong việc giành lại đất đai từ tay phong kiến thực dân hay mở rộng giang sơn bờ cõi, nhưng thực ra đều là do sức dân làm nên tất cả.
Vậy mà với tâm lý kẻ cướp, nhà nước đã dùng quyền lực, sức mạnh của mình để tước đoạt quyền sở hữu của người dân một cách tinh vi nhất.
Nhà nước đã làm ra những bộ luật về đất đai, mà ở đó quyền sở hữu của người dân bị tước đoạt hoàn toàn, và theo đó người dân luôn ở thế chông chênh bất ổn, do vậy mà ruộng đồng không thể tìm ra được cách sinh lời tốt nhất cho con người. Người dân trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất do chính mồ hôi công sức của mình khai khẩn hay của cha ông để lại, hoặc mua lại của người khác.
Vì vậy chúng ta cần khẳng định: đất đai là của người dân, người dân không mượn của nhà nước nên nhà nước không có quyền thu hồi!
Trong khái niệm đến bù thì rõ ràng là khi nhà nước muốn lấy đất của dân, hay nói cách khác là xâm hại đến lợi ích của dân thì đương nhiên phải đền bù. đền bù như thế nào? Rõ ràng rằng sự đền bù phải được người dân chấp nhận một cách tự nguyện và thỏa đáng. Còn hiện nay, đền bù theo kiểu kẻ cướp thì thật sự là việc làm thiếu đạo đức.
Khái niệm giải phóng mặt bằng cũng là một khái niệm hết sức bậy bạ sai trái. Đất đai của người dân mà nhà nước lại dùng sức mạnh của mình xua đuổi người dân ra khỏi mảnh đất của họ rồi nói rằng giải phóng. Nguyên nhân của lối tư duy sai lầm này chính là vì nhà nước cho rằng đất đai là của nhà nước nên mới nhìn người dân như những kẻ chiếm hữu bất hợp pháp mà nhà nước cần xua đuổi để giải phóng.
Nhìn nhận và quản lý đất đai như thế nào?
Tong toàn bộ diện tích đất đai của tổ quốc, nhà nước với vai trò quản lý của mình chỉ cần và chỉ nên đưa ra những chính sách quy hoạch làm sao có lợi nhất cho việc xây dựng và phát triển của đất nước. Khi cần đất đai cho các dự án phát triển nào đó thì nhất thiết phải thương thảo với chủ đất là người dân. Nhà nước có quyền vận động nhưng không có quyền cưỡng bức người dân.
Trong công tác quản lý, nhà nước có trách nhiệm cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân (nên phân biệt rõ quyền sở hữu chứ không phải quyền sử dụng đât), bất kể thời điểm người dân hay cha ông họ khai khẩn sử dụng từ khi nào, hay mua một cách hợp pháp.
Đối với những vùng đất chưa có người khai khẩn sở hữu, nhà nước chịu trách nhiệm đứng ra quản lý, và phải quy hoạch rõ công năng sử dụng của những vùng đất đó trong hiện tại cũng như tương lai. Đối với những vùng đất này, nhà nước thay mặt dân đứng ra quản lý, khai thác sao cho có lợi nhất cho quốc gia. Nếu người dân có nhu cầu mua một diện tích đất nào đó thì nhà nước phải bán và cấp cho người dân quyền sở hữu.
Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích người dân khai khẩn những vùng đất hoang vu mà nhà nước không có đầu tư phát triển được, và ghi nhận quyền sở hữu của người dân sau khi họ khai khẩn.
Mọi hoạt động của xã hội liên quan đến đất đai đều phải được thông qua thương thảo tự nguyện của chủ sở hữu, thể hiện bằng hợp đồng mua bán hay cho tặng quyền sở hữu về đất đai
Chỉ bằng cách ghi nhận quyền sở hữu của người dân về đất đai, nhà nước mới thoát khỏi mớ bòng bong hỗn tạp hiện nay về quản lý và sử dụng đất đai một cách khôn ngoan.
Nhà nước cần dũng cảm nhìn thẳng vào hiện tình đất nước về đất đai hiện nay một cách có trách nhiệm nhất. Nhà nước cũng cần thẳng thắn nhìn ra những yếu kém và cả những sai lầm trong đường lối và chính sách về đất đai trong quá khứ cũng như hiện tại, kể cả những sai lầm về đường lối mang tính bao quát của ý thức hệ. Và phải nhìn nhận những sai lầm này một cách trung thực nhât, trên tinh thần cầu thị. Tất cả vì lợi ích của tương lai dân tộc Việt.
Nhà nước hiện nay cần thay đổi toàn diện tư duy về đất đai, và không được chậm trễ thêm nữa. Chỉ có bằng cách thay đổi tư duy về đất đai thì mới mong chúng ta có được một bộ luật về đất đai mang hơi thở của cuộc sống. Và từ đó Bộ luật đất đai mới phục vụ tốt cho việc quản lý của nhà nước cũng như việc sử dụng đất đai của người dân.
Trích nguồn từ BBc




Không có nhận xét nào: