Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

           Sơ lược về nguyên tắc đoàn kết mọi tầng lớp người trong xã hội.

Đây là phạm trù được căn cứ vào chu kỳ thứ 8 của qui luật tự nhiên, có tên gọi đầy đủ là Thủy Địa Tỵ, trong 64 quẻ của kinh Dịch. Đây là đạo lý căn bản và duy nhất từ xưa đến mãi về sau, tất cả đều lấy làm cơ sở trong việc qui tụ mọi người thành một khối thống nhất để cùng thực hiện các mục tiêu tốt đẹp nào đó. Phạm vi ứng dụng đạo lý này dành cho các tổ chức cá thể hội, nhóm nói riêng và cộng đồng xã hội hay từng dân tộc nói chung.

Dựa theo luận cứ của đạo lý này, trong cuộc sống nhân loại nếu chỉ có 1  con người đơn độc, thì sẽ không thể nào tồn tại và phát triển được. Vì thế trong cuộc sống, phải có sự liên kết chặt chẽ nhiều người lại với nhau, thì mới tạo thành sức mạnh và sau đó, mới nói đến việc cùng nhau thực hiện những mục tiêu nào đó để cùng tồn tại và phát triển được.

Do đó, sau khi vận động thu hút được 1 lực lượng người qui tụ lại, thì việc tiếp theo là phải thực hành chuẩn tắc của đạo lý này. Vì các nguyên lý cấu thành đạo Tỵ là con dường duy nhất, giúp cho mọi người cùng đoàn kết, thống nhất ý chí và hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, để cùng hoàn thành mục tiêu nào đó nhằm đem lợi ích về phục vụ cho sự sống. Đạo lý này còn được gọi là đạo cầu hiền nếu là người lãnh tụ, lãnh đạo; kẻ dưới tìm bề trên thì gọi là tìm chủ để nương nhờ. Ngày nay thường gọi đây là chủ trương hay chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đảng phái …nào đó.

Vậy, cấu tạo hình thành nên đạo Tỵ và ý nghĩa của đạo lý này như thế nào?

Đạo lý này xuất phát từ chu kỳ thứ 8 nằm trong 64 chu kỳ cố định trong kinh Dịch. Kinh Dịch là bộ kinh ghi lại tất cả mọi biến chuyển không ngừng của Vũ trụ và cũng là bộ kinh đứng đầu, có vai trò chủ đạo toàn bộ hệ thống kinh sách của thế gian. Việc cấu tạo hình thành nên đạo lý này là sự kết hợp giữa nguyên lý vận hành của quy luật tự nhiên, cùng hình tượng Đất và Nước (Thủy- Địa) của tự nhiên để diễn đạt ra mọi lý lẽ biến hóa tất yếu của 2 thực thể này của đời sống tự nhiên. Từ đó mới hình thành nên nguyên tắc được xem là kim chỉ nam cho đạo lý này, để áp dụng vào cuộc sống.

Đi vào phân tích, thì đạo lý này có hình tượng Nước ở trên Đất. Trong khi đặc tính của nước là nó thường chảy về chỗ thấp, trừ khi có vật ngăn, chứa nó lại thì nó sẽ thành sông suối, ao hồ và nó cũng lại đi thấm nhuần cho đất. Vì thế, khi nước ở trên đất thì nó sẽ tự tìm đường chảy xuống, ngấm sâu vào lòng đất và công dụng của 2 thể này khi hòa quyện cùng nhau, như lời kinh quẻ Tỵ viết: ”Các vật thân liền khắng khít nhau không có gì ngăn cách được, không có thứ gì bằng nước ở trên đất”. Vì nước cần có đất để chảy xuống và ngấm sâu vào lòng đất rồi tụ lại làm thành công dụng của sông suối, đê điều tưới nhuần và nuôi sống vạn vật. Còn đất nhờ có nước thì đất mới được thấm nhuần để đi sanh hoá, dưỡng nuôi cho muôn loài, vạn vật.

Đời sống của con người cũng vậy, nếu chỉ có 1 con người trơ trọi thì không thể nào tồn tại được. Do đó khi mới được sanh ra, ai cũng tự nhiên và đương nhiên có sự liên kết chặt chẽ với nhau bằng tình yêu thương, trước hết là của đấng sanh thành. Tiếp theo là đến tình yêu thương của gia đình và khi lớn lên, mỗi người sẽ tự đi tìm cho mình các thứ tình, dựa trên các mối quan hệ để cùng làm ăn sanh sống với nhau. Cho nên 1 gia đình hay 1 cộng đồng, 1 quốc gia dân tộc nào cũng vậy, không thể nào làm khác đi đạo lý này được, làm khác sẽ bị ly tán ngay.

Và khi đã tạo dựng được các mối liên kết này, thì con người mới có đủ tự tin, mới đảm bảo việc tồn tại và phát triển đối với bản than mình. Còn ngược lại, hoặc có ai đó tự cho mình có đủ tài, đủ sức không cần thiết lập nên các mối liên hệ với bất cứ ai, mà họ vẫn tồn tại và phát triển được là không có việc đó bao giờ. Có chăng là rước về hung sự thì có. Như lời Kinh viết:” Những thứ sanh ra trong trời đất, không thứ gì mà không được thân liền khắng khít nhau mà có thể tồn tại.Tuy rất cương cường, nhưng chưa có kẻ nào đứng được 1 mình, cho dù đấng trượng phu cũng hung, huống chi là kẻ nhu nhược”.

Từ nguyên lý này, khi áp dụng con người phải tuân thủ nghiêm nhặt nguyên tắc căn bản này như lời kinh viết:
”Tỵ cát, nguyên phệ, nguyên, vĩnh, trinh, vô cữu. Bất minh phương lai, hậu vô hung”.
Có nghĩa: Đã có nhiều người sống với nhau thì phải thực sự đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau, thì đời sống mới được phát triển tốt đẹp. Nhưng trước tiên phải thận trọng xem, mục đích qui tụ mọi người lại với nhau để làm việc gì, rồi sau mới tìm đối tượng để liên kết.
 Đây là 1 yêu cầu rất quan trọng, trước khi thực hành liên kết với bất cứ ai.

Tỷ như mục đích tập hợp, đoàn kết mọi người là để thực hành một công việc nào đó ích nước, lợi dân thì phải tìm những người thật sự có lòng yêu nước nồng nàn, không ngại gian khổ hy sinh vì dân, vì nước; nếu cần cho công việc làm ăn, kinh doanh mua bán thì tìm những người có kinh nghiệm, nhiều nhiệt huyết trong lãnh vực này; nếu cần tìm bạn để chia sẻ, tâm tình thì tìm những người tâm giao, tri âm, tri kỷ v.v…Nói chung, nhu cầu phát triển ở lãnh vực nào, thì phải tìm người trong lãnh vực đó mà liên kết. 

Nhưng sự đoàn kết này, nhất thiết phải nhằm tạo ra lợi ích tốt đẹp chung cho mọi người, thì mới đúng vào trọng tâm của đạo lý này và nhất định sẽ thành công, đó mới gọi là Tỵ cát.
Còn nếu sử dụng chiêu bài đoàn kết này để tập hợp mọi người thực hiện những việc làm tà mị, sai trái hay vì lợi ích cá nhân, lợi ích phe đảng để lừa đão mọi người hoặc việc làm gây phương hại đến lợi ích chung cho mọi người, thì không thể thực hành đạo lý này được.
Ngoài ra, người đứng đầu còn phải thực hành tốt 3 điều kiện chủ yếu của đạo lý này, thì mới đem đến sự thành công và không bị thất bại hay ân hận sau này.

Điều kiện thứ nhất là phải có đức Nguyên.
Nguyên có nghĩa: Việc trước tiên, người này phải có ý chí kiên cường, mạnh mẽ, lại có quyết tâm cao, có lập trường vững chắc, có bầu nhiệt huyết trong sáng và phải là người thật sự có tài năng, đức độ trong lãnh vực mình liên kết.

Mặt khác, Nguyên còn là đức đầu tiên trong 4 đức của đạo trời(Càn), là đức Nhân của mỗi con người. Nguyên còn có nghĩa là: đầu cả. Đầu cả có nghĩa là người trước hết phải có đức nhân, vì nhân, là người anh minh trí tuệ, bác lãm được mọi vấn đề lien kết.
Hoặc đó là bậc thánh nhân đang thi hành đạo lý của bậc đế vương, của bậc quân trưởng, của người lãnh đạo, lãnh tụ, là chủ nhân, là người trên trước đạo cao, đức trọng…

Nguyên đầu còn là bậc trí nhân, đó là người chủ trì cho mọi việc nhân, việc thiện nếu tìm người để tôn thờ, phục vụ dưới quyền họ. Còn nếu tìm lưc lượng cộng tác dưới quyền, thì mình phải là người ở vị trí và có tài năng, đức độ trên thì mới được mọi người tìm đến …

Điều kiện thứ 2 là đức Vĩnh.
Vĩnh có nghĩa là lâu dài. Sau khi được liên kết chặt chẽ với nhau rồi, thì mối quan hệ này phải được nuôi dưỡng lâu dài; đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau, luôn trung thành, chung thuỷ, sống chết có nhau.

Điều kiện thứ 3 là phải có đức Trinh.
Trinh có nghĩa là người chân chính và giữ được sự chân chính này một cách bền bỉ, không thay đổi vì mục tiêu, vì lợi ích chung. Đặc biệt, không lợi dụng chiêu bài đoàn kết để lường gạt, trục lợi bất chính hay câu kết nhau xâm hại đến lợi ích chính đáng của người khác.

Tóm lại, phải biết suy tính đắn đo dựa theo nguyên tắc của đạo lý này, thì sẽ liên kết được với mọi người, thống nhất được ý chí của cả thiên hạ, vạn sự đều được thành công. Còn lại, điều cần cân nhắc là: phải xem người lãnh đạo của mình có đầy đủ 3 đức này thì mới liên kết, không hội đủ thì không  nên gần.
Nhưng khi đã dấn thân vào môi trường này, đòi hỏi bản thân mỗi người cũng đều phải có đủ 3 đức tính này, thì mới không bị lầm lỗi và mới đủ tự tin liên kết cùng với mọi người được. Duy khác nhau ở chổ là: mình tìm người trên để phục vụ cống hiến, hay tìm người cộng sự, dưới quyền mình mà cân nhắc cho phù hợp.

Điều lưu ý đặc biệt: khi ứng dụng đạo lý này, nếu là kẻ bề trên đi tìm sự liên kết cùng người dưới, thì người xưa gọi đó là” đạo cầu hiền”.Các bậc vĩ nhân từ cổ chí kim dựng thành đại nghiệp, tên tuổi được ghi vào sử sách đều là nhũng người thực hành rất tốt, rất đạt đạo lý nầy.

 Còn người dưới muốn liên kết với người trên để được cống hiến, phục vụ thì gọi là “tìm chủ để thờ”. Và hình ảnh câu ca dao:” Chim khôn chọn cây lành mà đậu, tôi hiền tìm chủ thánh mà thờ” đã nói lên hết ý nghĩa của đạo lý này.

Ngoài ra khi tiến trình liên kết đã hình thành, thì cũng phải cần tuân thủ những giai đoạn mà lý lẽ trong các hào đã nêu ra, cũng như kịp thời xử lý những tình huống bất lợi thường đưa đến cho từng giai đoạn trong đó.

Tỷ như hào sơ là giai đoạn mới bắt đầu liên kết, thì điều cốt lõi là 2 bên cần giữ chữ thành tín, chứ không thể đòi hỏi gì hơn… Qua đến giai đoạn hào 2, thì cần phải thể hiện sự trung thành, chân chính ra để chứng tỏ bản thân và thiện chí của mình v.v… 

Tóm lại, trên đây chỉ đơn cử sơ lược 1 chu kỳ cố định của Kinh dịch được phát triển ra thành 1 đạo lý, ứng dụng vào 1 lĩnh vực hành xử của con người, dựa trên các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống. Và lẽ tất nhiên, muốn thực hành đạo lý này cho thật tốt, thì phải hiểu và thực hành theo các đạo lý khác. Tỷ như muốn thực hành chử Tín, thì phải theo đạo lý của quẻ Phong trạch trung phù, muốn thực hành đức khiêm tốn thì phải học theo đạo lý của quẻ Địa sơn khiêm, muốn làm lãnh tụ, lãnh đạo thì phải học theo đạo lý quẻ thuần Kiền, muốn làm bề tôi, kẻ dưới thi phải học theo đạo lý của quẻ thuần Khôn v.v…thì mới góp phần hoàn thiện được nhân cách, đủ tài và đức để cùng nhau thực hiện mục tiêu cao cả nào đó được.
                                                               
transi      

Không có nhận xét nào: